Bóng đá Việt hậu 'cách mạng': Cẩn thận “củi lửa”
Tại Đại hội cổ đông lần đầu tiên của VPF diễn ra tháng trước, bầu Kiên từng “rào đón” trước rằng dư luận không nên quá kỳ vọng vào việc bóng đá VN ở cấp độ CLB sẽ có sự thay đổi mau chóng nhờ sự xuất hiện của VPF.
Căn cứ vào những gì đã diễn ra trên sân cỏ VN trong vòng 3 tuần vừa qua, có thể thấy rằng bầu Kiên hoàn toàn không quá thận trọng khi đưa ra lời cảnh báo sớm như vậy.
Dù ở Cúp QG, Super League hay giải hạng Nhất QG thì những vấn đề vốn đã trở thành căn bệnh kinh niên của bóng đá VN vẫn còn nguyên, chẳng hạn như tình trạng bạo lực sân cỏ, tiếng còi thiên lệch (chỉ nói từ khía cạnh chuyên môn) của các trọng tài…
Thực ra điều này cũng chẳng làm ai bất ngờ, bởi tuy năm nay giải VĐQG đã được đổi tên thành Super League thay vì V-League như mọi năm, song thành phần tham gia giải hầu hết vẫn là những con người cũ, và trong một guồng quay như thế, các ông bầu dù có tư tưởng cấp tiến đến mấy thì cũng đành phải hài lòng với lối tư duy: “Muốn nhanh thì phải… từ từ”.
Dư luận đang chờ đợi xem ban Kỷ luật sẽ xử lý Cristiano (trái) thế nào sau cú vào bóng thô bạo và phi thể thao với Công Vinh
Có thể nhìn thấy điều này ngay ở CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên. Kể từ thời HLV Lê Thụy Hải còn cầm quân ở V-League, bây giờ bầu Kiên mới lại có một đội bóng không bị xem là ứng viên hàng đầu cho một vé xuống hạng, kịch bản từng rất quen thuộc với HN.ACB ở những mùa trước. Tuy nhiên, nếu như việc đổi tên hay sắm sửa ngôi sao cho CLB BĐ Hà Nội với bầu Kiên chẳng khác nào chuyện lấy đồ trong túi áo, thì để nâng cấp chất lượng chuyên môn của CLB BĐ Hà Nội, làm sao từ một đội bóng chuyên trị lo trụ hạng giờ trở thành một kẻ thách thức thật sự lại chẳng phải nhiệm vụ đơn giản.
Ai cũng thấy là phải còn lâu nữa CLB BĐ Hà Nội mới có thể vươn lên đẳng cấp như HN.T&T hiện tại, cho dù cách làm bóng đá theo kiểu “đi tắt đón đầu” của bầu Hiển không được những người kỹ tính thừa nhận như là một mô hình mang tính chuẩn mực. Thế nhưng, trong bóng đá thì kết quả mới là điều được nhớ tới lâu hơn cả, cũng như việc VPF dù có gây ra bao nhiêu sự ồn ào đi chăng nữa thì cuối cùng người ta cũng vẫn phải hỏi, vậy thực sự VPF đã và sẽ giúp ích được những gì cho bóng đá VN?
Xét từ góc độ chuyên môn thì chất lượng của Super League hầu như chưa được cải thiện bao nhiêu so với V-League, nhưng đứng ở khía cạnh khán giả mà nói thì Super League đang góp phần hâm nóng bầu không khí bóng đá ở Hà Nội và TP.HCM, 2 trung tâm lớn nhất nước nhưng lâu nay vẫn nổi tiếng là nguội lạnh với bóng đá nội ở cấp độ CLB.
Chắc là phải lâu lắm rồi bầu Kiên mới lại chứng kiến cảnh tượng khán giả rồng rắn tới sân để theo dõi một trận đấu có sự tham dự của đội bóng dưới quyền mình, và tương tự như thế là ở TP.HCM, khi khán đài sân Thống Nhất cũng được làm cho sôi động nhờ trận derby giữa Sài Gòn FC và N.SG, 2 đội bóng vốn chẳng có chút dây mơ rễ má nào với bóng đá Sài Gòn ngoại trừ cái tên mà họ đang mang.
Có thể bóng đá VN ở cấp độ CLB đã có dấu hiệu của một cuộc hồi sinh thực sự, nhưng cũng có thể đây chỉ là sản phẩm của hiệu ứng tâm lý, khi một sản phẩm mới ra lò như VPF và Super League thường nhận được sự háo hức và đón đợi của dư luận. Chỉ cần một vài vòng đấu nữa mà những vấn nạn của bóng đá VN xuất hiện trở lại với mật độ liên tục và dày đặc thì không loại trừ cảnh “chợ chiều” như mấy mùa trước lại quay về.
Tất nhiên, chẳng ai mong muốn kịch bản này xảy ra, bởi nếu thế thì các ông bầu và dư luận không phải lao tâm khổ tứ đến thế để thúc đẩy sự ra đời của VPF, nhưng dù sao cẩn thận thì cũng vẫn hơn, bởi với bóng đá VN, không thể nói trước bất cứ điều gì. Thì đấy, tưởng như vụ tiêu cực trọng tài năm 2005 sẽ khiến giới cầm còi phải lấy làm bài học “sống để dạ chết mang đi”, nhưng rồi ở mùa bóng năm ngoái vẫn xuất hiện “nghi án 500 triệu đồng” đấy thôi, mà cũng không ai dám chắc đấy sẽ là trường hợp duy nhất.