Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV: Bản điếu văn chữa lành chính mình
Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV: Bản điếu văn chữa lành chính mình
Là con người, hầu hết ai cũng mong muốn mình được may mắn, hạnh phúc, thành công và viên mãn. Nhưng thực tế cuộc sống không đơn giản và không phải ai cũng thuận lợi; không ít người đã phải đối diện với những nghịch cảnh, sự bất hạnh và sự thất bại đắng cay, khổ đau, sự tổn thương và khó tránh khỏi những sai lầm với những cú vấp ngã đau ê ẩm. Điều quan trọng là, sau những khốn khó gian nan, mỗi chúng ta có thể tự học cách để có thể đứng dậy và tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong cuốn sách “Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm chung sống với HIV” của tác giả Đồng Đức Thành, một nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.
Tự truyện “Đau cũng là sống” không chỉ đề cập đến HIV mà còn rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống của một con người từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành như: Vấn đề tự phát triển bản thân, tự khám phá bản thân và sự tự học ngoại ngữ và các kỹ năng khác, sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính, quan hệ tình dục an toàn và tìm kiếm việc làm.
Đặc biệt là ngày nay, con người ngày càng phải đối diện với các vấn đề rối loạn liên quan đến sức khỏe tinh thần như: Rối loạn lo âu, trầm cảm hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và cách tự chăm sóc bản thân để tự chữa lành và vượt qua hoàn cảnh,tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình.
Bìa cuốn “Đau cũng là sống – Tự truyện của người 30 năm sống chung với HIV” với hình vẽ chân dung tác giả Đồng Đức Thành.
Ngay từ lời nói đầu, tác giả đã tự nhận mình là một người có không ít những sai lầm trong quá khứ và những bài học kinh ghiệm được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của cuộc sống. Ẩn đằng sau mỗi đoạn văn, mỗi câu chuyện là một số thông điệp và những bài học kinh nghiệm để những đọc giả có thể tham khảo, với hy vọng mang lại một chút bài học bổ ích cho những người trẻ tuổi có thể học được một điều gì đó cho sự phát triển bản thân và tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc xảy ra.
Tác giả viết: “Dù đau thương, nghịch cảnh nhưng tôi đã được bơi ra xa bờ còn hơn là ở trong ao tù nước đọng”.
Hay: “Nếu không có khổ đau thì rất khó cảm nhận được hạnh phúc; nghịch cảnh và khổ đau có thể đến vào thời điểm này nhưng không có nghĩa là suốt cả cuộc đời. Nếu bạn vượt được qua khổ đau sẽ là cả một bến bờ hạnh phúc và có thể sẽ có khả năng kháng thương (Anti-Fragility) để đối diện với những hoàn cảnh, thách thức mới. Điều này còn cao hơn cả chữa lành”.
Lời cuối sách, tác giả viết: "Không ai khác chính bạn là người tự viết điếu văn cho cuộc đời của mình, nên hãy viết nó một cách tốt nhất có thể.
Khi còn là một thanh niên mới lớn, tôi đã không chú trọng, quan tâm đến rèn luyện sức khỏe, học hành và tu dưỡng đạo đức. Chúng tôi đã chìm đắm trong hưởng thụ, nhậu nhẹt, chơi bời phóng đãng, đánh lộn, sử dụng chất kích thích… Sang tuổi trung niên, sức khỏe của tôi đã xuống cấp nghiêm trọng và luôn cảm thấy mệt mỏi. Phải chăng đó là luật nhân quả mà tôi phải đón nhận? Và nhân quả báo ứng là có thật. Thậm chí nó xảy ra ngay trên cuộc sống hiện tại, không cần đợi đến kiếp sau vì kiếp sau có thể hiện tại chúng ta chưa thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, theo triết lý nhà Phật, giữa chữ Nhân và chữ Quả còn có chữ Duyên, nhờ sự nhận ra những sai lầm và nỗ lực, tôi cảm thấy cuộc sống mình thực sự có ý nghĩa, và hạnh phúc. Tôi đã cố gắng hết sức để tự viết một bản “Điếu văn” cho bản thân mình trọn vẹn nhất có thể.
Những năm tháng sang tuổi trung niên, tôi cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng yếu đi nên việc rời xa cõi tạm có thể đến gần hơn. Đây chính là lý do thúc đẩy tôi viết một cuốn sách với hy vọng nó có một chút ích lợi gì đó cho những người trẻ tuổi thuộc thế hệ kế tiếp. Những bài học đời tôi hết sức cay đắng và đầy nước mắt, hy vọng sẽ bổ ích cho các bạn trẻ.
Đôi khi, tôi rất muốn có con nhưng tôi lại sợ bởi vì tôi không muốn con tôi sẽ có tuổi thơ giống như tôi. Điều vô giá tôi học được từ cuộc đời này là sự sống và hơi thở tạo hóa đã ban tặng cho con người miễn phí, nên cần trân trọng nó mỗi ngày, như Kahlil Gibran đã viết. “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng:
“Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”.
Tác giả Đồng Đức Thành, một nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng đã viết cuốn sách này trong thời gian bị trầm cảm. Dù không phải là một nhà văn chuyên nghiệp nhưng với phong cách viết theo lối kể chuyện chân thực, sinh động, tác giả đã miêu tả về cuộc đời mình từ thời thơ ấu đến khi phát hiện ra tình trạng có HIV, cho tới thời điểm hiện tại.
Đồng Đức Thành là thành viên Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP+), sinh năm 1976, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ông là một trong những người sống chung với HIV tại Việt Nam đã công khai tình trạng có HIV của mình với báo chí, truyền hình và tham gia vào các diễn đàn vì mục đích vận động chính sách về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Tác giả có nhiều năm công tác trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các dự án về truyền thông, vận động chính sách về Y tế và các vấn đề xã hội, giúp đỡ người sống chung với HIV và các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS với nhiều vai trò và vị trí khác nhau. Hiện nay ông đang đảm nhiệm vai trò Điều phối trong Dự án giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM). Từ một người có lối sống tiêu cưc, phóng đãng với cú sốc tâm lý nặng, tác giả đã quyết tâm chữa lành chính mình và lan toả năng lượng tích cực đến với những người cùng cảnh.
PV