Nữ giám đốc trẻ xây nhà trọ 0 đồng, mang mái ấm đến cho bệnh nhân chạy thận
Nữ giám đốc trẻ xây nhà trọ 0 đồng, mang mái ấm đến cho bệnh nhân chạy thận
Sao chép liên kết
21/01/2024 - 09:17
Bỏ số tiền lớn ra mua mảnh đất 300m2 tại trung tâm TP. Hạ Long, Quảng Ninh, gia đình chị Dương không dùng để ở mà xây khu nhà trọ cho bệnh nhân nghèo đang phải chạy thận lưu trú miễn phí.
Gần 6 năm nay, hàng chục bệnh nhân nghèo đã đi và đến trú ngụ tại xóm trọ ở tổ 51, khu 4, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh trong thời gian điều trị suy thận.
Người dân xung quanh gọi đây là 'xóm chạy thận", bởi những người ở đây toàn là bệnh nhân suy thận cấp độ 4-5 và đang theo phác đồ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Khác với những khu trọ lân cận, nơi này cho bệnh nhân nghèo ở miễn phí.
Xóm trọ 0 đồng sạch sẽ, thoáng mát cho những bệnh nhân điều trị suy thận
Trở về từ bệnh viện sau ca chạy thận, lọc máu đến phờ phạc, cô Hoàng Thị Năm (SN 1972, quê huyện Bình Liêu) lê từng bước nặng nề về khu trọ nhỏ. Sức cô yếu đến nỗi, túi giấy tờ xách theo cũng là gánh nặng trên quãng đường vài trăm mét từ bệnh viện về phòng trọ.
Ngả lưng xuống chiếc ghế trước cửa phòng, cô Năm kể, tính đến nay là 11 năm bản thân sống chung với căn bệnh quái ác.Căn bệnh khiến sức khoẻ của cô đi xuống trầm trọng. Trên cánh tay cô hiện rõ những đoạn u thịt nhức buốt, bằng chứng cho những lần phải chọc kim tiêm vào tĩnh mạch để lọc máu.
Cánh tay trái của cô Năm xuất hiện nhiều cục tròn do việc cắm kim tiêm để lọc máu điều trị suy thận
Cũng ngần ấy năm, cô thường xuyên phải xa gia đình để ở gần cơ sở y tế nhằm duy trì sự sống. Thời gian đầu, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Năm thuê những phòng chật hẹp, ngột ngạt gần bệnh viện. Dẫu thế, chi phí chỗ ở và sinh hoạt vẫn là gánh nặng kinh tế đè lên gia đình, bởi nguồn thu chính là từ việc làm nông ở quê.
Cô Chìu Sám Múi cảm thấy đầm ấm như một gia đình khi được bao bọc và ở miễn phí tại xóm trọ
Năm 2019, trong một lần tình cờ, cô Năm được các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh giới thiệu tới xin ở tại khu nhà trọ miễn phí.
Cạnh phòng cô Năm là phòng của cô Chìu Sám Múi (54 tuổi, quê huyện Bình Liêu) mới tới ở xóm trọ này được 8 tháng. Trước đó, cô Múi phải lang thang ở ghép phòng tại những khu trọ tập thể khác. Chi phí tiền phòng trọ và sinh hoạt mỗi tháng cũng phải mất gần 4 triệu đồng.
"Tôi và mọi người ở đây rất thoải mái, không còn đau đầu nghĩ về chi phí thuê trọ. Mọi người cùng cảnh bệnh tật đùm bọc lẫn nhau. Để giảm chi phí sinh hoạt, chúng tôi trồng thêm rau, nhiều phòng nấu ăn chung để đỡ đi cảm giác nhớ nhà", cô Múi tâm sự.
Cô Năm và cô Múi là 2 trong số 8 người đang ở tại khu trọ miễn phí. Mỗi người đến từ một nơi khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ xích lại gần nhau, sống quây quần như 1 gia đình.
Xóm trọ 0 đồng nhiều năm nay là ngôi nhà thứ 2 của nhiều bệnh nhân suy thận có hoàn cảnh khó khăn
Xóm trọ 0 đồng
Sau một lần đi từ thiện cho những bệnh nhân suy thận, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh éo le, chị Phạm Thị Thuỳ Dương (36 tuổi, Giám đốc một công ty Thương mại Đầu tư phát triển, quản lý chuỗi cửa hàng nông sản sạch) nhen nhóm trong đầu ý tưởng có một nơi giúp người bệnh cư trú không phải trả phí.
Chị Phạm Thị Thuỳ Dương (bên trái) xây xóm trọ để cho nhiều bệnh nhân suy thận ở miễn phí
Nghĩ là làm, năm 2018, chị Dương cùng chồng mua một mảnh đất rộng 300m2 ngay gần Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Thời điểm đó, khu đất này vẫn còn nhếch nhác, không có nổi một cơ sở vật chất gì đáng giá.
Hai vợ chồng chị Dương bỏ tiền xây khu nhà trọ với 6 phòng. Mỗi phòng rộng 10m2 cùng khu vệ sinh và sân sinh hoạt chung. Đầu năm 2019, khu nhà được hoàn thành và được đặt tên là xóm trọ 0 đồng.
Để giảm bớt chi phí sinh hoạt, những người tại đây trồng thêm rau phục vụ bữa ăn hàng ngày
Theo chị Dương, ban đầu nhiều người khó hiểu với hành động này của chị vì bình thường nếu có diện tích đất như thế sẽ tận dụng kinh doanh thu phí.
Nhưng khi hiểu ra hành động đẹp của nữ giám đốc trẻ tuổi, mọi người cùng chung tay đóng góp vật liệu, đồ dùng. Người thì cho mái tôn, người đóng cho giường, người ủng hộ bàn ghế, quạt...
Ngoài ra, thời gian rảnh, chị Dương cũng tìm những công việc nhẹ nhàng như đan lát, khâu vá, thêu thùa cho người trong xóm trọ làm để kiếm thêm thu nhập những khi không phải đi điều trị.
Xóm trọ 0 đồng nhiều năm nay là ngôi nhà thứ 2 của những bệnh nhân suy thận có hoàn cảnh khó khăn
"Thời điểm đầu rất ít người biết đến xóm trọ này, thông qua giới thiệu từ người quen và hệ thống bán nông sản của tôi, dần dần có những hoàn cảnh khó khăn tìm tới. Gia đình tôi theo đạo Phật, nên tôi không mong cầu nhận lại thứ gì, chỉ mong giúp đỡ được thật nhiều hoàn cảnh khó khăn có nơi ở để đủ sức chống chọi lại với bệnh tật.
Một tuần họ phải đi lọc máu 3 lần, ngoài gia đình ở xa thì họ không còn nơi nào để bấu víu, tôi chỉ mong có thêm nhiều người cùng chung tay giúp đỡ họ nhất là trong thời điểm tết Nguyên đán đang đến gần", chị Dương cho biết.
tin liên quan
Bình luận