Thể thao Việt Nam: 10 sự kiện nổi bật nhất năm 2011
Năm 2011 thể thao Việt Nam đã diễn ra với nhiều biến động lớn, niềm vui nhiều nhưng nỗi buồn cũng không ít. Hãy cùng điểm lại 10 sự kiện được coi là nổi bật nhất của thể thao nước nhà trong năm vừa qua...
1. Đoàn thể thao Việt Nam đứng hạng 3 SEA Games 26
Với 96 HCV, 92 HCB, 99 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu 70 HCV, đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công khi tham gia với số lượng VĐV lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt hơn, tại SEA Games 26, thể thao Việt Nam tạo ra được nhiều thành tích mang tính lịch sử với 2 HCV bơi lội, 11 HCV thể dục dụng cụ, đồng thời giữ vững thành tích tại các môn cơ bản như điền kinh, bắn súng, võ ….
2. Kình ngư Hoàng Quý Phước và 2 HCV lịch sử
Kình ngư Hoàng Quý Phước. Ảnh internet
Đoạt HCV, phá kỷ lục SEA Games, phá sâu chuẩn B dự Olympic London ở nội dung 100m bướm, sau đó đoạt HCV ở 100m tự do, “rái cá sông Hàn” Hoàng Quý Phước đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam ở môn thể thao mà từ trước đến nay chỉ mới có 2 HCV. Hoàng Quý Phước cũng được chọn làm 1 trong 5 VĐV xuất sắc của SEA Games 26. Trước đó, Hoàng Quý Phước cũng đã giành vé dự Olympic London và sau chuyến tập huấn tại Mỹ trong năm 2012, thành tích của anh sẽ có thể thêm bất ngờ.
3. Phan Thị Hà Thanh đoạt HCĐ thế giới và dự Olympic
Với tấm HCĐ tại giải vô địch thế giới hồi tháng 10, lần đầu tiên Thể dục dụng cụ Việt Nam có huy chương thế giới. Nhờ thành tích này, Hà Thanh giành vé chính thức tham dự Olympic London 2012. Cô tiếp tục tỏa sáng rực rỡ tại SEA Games 26, giành 3 HCV và góp công lớn vào thành công vượt bậc của đội tuyển thể dục dụng cụ (giành tổng cộng 11 HCV).
VĐV Phan Thị Hà Thanh. Ảnh internet
4. Lê Quang Liêm lọt vào tốp 30 kỳ thủ thế giới
Vô địch giải cờ danh giá Aeroflot lần thứ 2 liên tiếp, Á quân giải Siêu đại kiện tướng quốc tế Dortmund với 10 ván bất bại, vô địch giải Mỹ mở rộng, 2 tấm HCV SEA Games 26, Lê Quang Liêm xứng đáng được tôn vinh như một hiện tượng của thể thao Việt Nam trong năm qua. Với thành công đó, Liêm đã có bước nhảy vọt vào tốp 30 kỳ thủ hàng đầu thế giới và kết thúc năm ở hạng 28 cùng hệ số Elo 2714.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm. Ảnh internet
5. Đội tuyển bóng đá U-23 thất bại
Được kỳ vọng sẽ có mặt tại trận chung kết và hướng đến chiếc HCV đầu tiên sau 52 năm nhưng đội U-23 Việt Nam đã thua Indonesia trong trận bán kết và hoàn toàn đánh mất chính mình ở trận tranh hạng 3 với Myanmar. Thành tích ấy còn tệ hại hơn khi đội U-23 thể hiện một lối chơi kém cỏi với tinh thần bạc nhược và để lại nghi vấn tiêu cực trong trận thắng đội U-23 Lào trước đó. Kết quả này đã đặt ra yêu cầu làm lại hệ thống đào tạo trẻ ở bóng đá Việt Nam.
6. Sự “trỗi dậy” của các ông bầu bóng đá và VPF ra đời
Trong cuộc họp tổng kết mùa giải 2011 tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), bầu Kiên đã có tuyên bố gây sốc, chỉ trích mạnh mẽ cách điều hành của ban tổ chức và trọng tài. Những phát biểu đó như một “quả bom” làm nổ tung bầu không khí thụ động bấy lâu nay của bóng đá Việt Nam. Ngay sau đó, các ông bầu bóng đá đã gây sức ép để VFF đồng ý việc ra đời của Công ty cổ phần Quản lý bóng đá Việt Nam (VPF), thay thế mô hình quản lý của các ban tổ chức cũ. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử của bóng đá Việt Nam sau hơn 10 năm thử nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp: Các giải đấu đã được trả về cho chính các CLB quyết định.
7. 2 HLV ngoại ra đi và HLV nội thay thế
Tháng 3, HLV thành công nhất của bóng đá Việt Nam Henrique Calisto bất ngờ đệ đơn xin từ chức, đẩy VFF vào cuộc khủng hoảng mà phải đến 3 tháng sau mới tìm được HLV mới cho các đội tuyển. Lên thay ông Calisto, HLV Falko Goetz, người được xem là “HLV có trình độ nhất từ trước đến nay”, đã không thể mang lại thành công tại SEA Games 26 và bị VFF sa thải một tháng sau khi từ Indonesia trở về. Ngay sau đó, VFF chính thức tuyên bố sẽ giao quyền cho HLV nội, mở ra một tầm nhìn mới cho bóng đá Việt Nam.
8. VFF trong cơn bão dư luận
Sau khi bị các ông bầu phản ứng và tiếp nhận quyền tổ chức các giải đấu, VFF lại hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận sau thất bại của đội tuyển bóng đá nam tại SEA Games 26, dẫn đến việc Tổng Thư ký VFF, kiêm Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn từ chức. Sự ra đi của ông Tuấn cũng như việc sa thải HLV F.Goetz đặt VFF vào thách thức cải tổ để phù hợp với hoàn cảnh mới của bóng đá Việt Nam đang trong tiến trình “làm lại, làm mới”.
9. Bạo lực trên sân cỏ và vấn nạn trọng tài
Một tình huống lộn xộn trên sân cỏ
Năm 2011 có thể được xem là “năm xấu xí” của bóng đá Việt Nam khi dù đã trải qua 10 mùa giải chuyên nghiệp nhưng những vấn nạn từ bạo lực sân cỏ đến tiêu cực trọng tài vẫn còn, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Do đó không có gì khó hiểu khi số lượng khán giả thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Bức xúc trước hiện trạng này, tập đoàn Hòa Phát đã rút lui khỏi bóng đá.
Cũng trong mùa giải 2011, SLNA vô địch quốc gia với lối chơi tập thể nhưng đây cũng là mùa giải chứng kiến sự xuống hạng của Đồng Tâm Long An, một biểu tượng của bóng đá “sạch”.
10. Thanh Hằng thành công, Vũ Thị Hương sa sút
Tấm HCV trên đường chạy 800m tại giải vô địch châu Á của Trương Thanh Hằng đã giúp điền kinh Việt Nam làm nên lịch sử. Trong thời gian tới đây, Thanh Hằng sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm nhằm cải thiện thành tích giành vé đến Olympic London 2012. Cô cũng đã giành 2 HCV tại SEA Games 26 ở 2 nội dung sở trường 800m, 1.500m. Trong khi đó, SEA Games 26 đã trở thành cơn ác mộng của Vũ Thị Hương, người vẫn được mệnh danh là “nữ hoàng tốc độ”. Ngày ra quân, cô thảm bại ngay trên đường chạy 100m nữ sở trường. Không lâu sau đó, Hương tiếp tục hụt hơi ở cự ly 200m khi chỉ giành được tấm HCĐ. 3 kỳ đại hội liên tiếp trước đó, cô đều là nhà vô địch với thành tích vượt trội.