Từ 1.1.2012: Thách thức với túi tiền người dân

02/01/2012 15:01

Giá điện vừa tăng. Giá vé máy bay vừa tăng. Giá tàu xe, giá sữa, giá gas cũng vừa tăng... Và từ ngày 1.1 - ngày đầu tiên của năm mới 2012, thêm hàng loạt các mặt hàng và các loại phí bắt đầu đợt tăng giá mới.

Nhiều loại phí tăng

Tại Hà Nội, phí cấp biển ô tô tăng gấp 10 lần, từ 2 triệu lên tới 20 triệu đồng đối với ô tô (dưới 10 chỗ) và 1 triệu lên 4 triệu đồng đối với xe máy (có giá trên 40 triệu đồng), khi nghị quyết của HĐND thành phố có hiệu lực.

Người chưa mua xe thì thêm buồn, những người đã kịp mua xe chạy thuế hoặc đã có xe cũng không sung sướng gì. Tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa, phí gửi xe ô tô sẽ tăng 400-500%, từ 10.000 đồng lên 40.000- 50.000 đồng/lượt gửi “không quá 120 phút”.

Ước mơ sở hữu “xế hộp” của nhiều người đang thêm khó khăn (ảnh minh họa).

Ở Thanh Hóa, dù chưa hề có nạn tắc đường, tuy nhiên, từ hôm nay, người dân cũng bắt đầu phải quen với việc phải “chung tay” thực hiện mục tiêu đảm bảo tăng nguồn thu cho ngân sách, với việc phí trước bạ ô tô cũng tăng từ 10 lên 12%, bằng với trung tâm kinh tế TP.HCM.

Sau Quảng Ninh với quyết định tăng gấp đôi phí tham quan vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới bị nhiều người dân và các hãng lữ hành phàn nàn, phí tham quan danh thắng trên địa bàn thủ đô cũng tăng gấp đôi.

Không chỉ cư dân thủ đô và Thanh Hóa, khoảng 50 triệu lao động đóng BHXH mỗi tháng sẽ mất thêm 1% lương (chủ sử dụng lao động đóng thêm 1%) khi tỷ lệ đóng bảo hiểm tăng 2%, lên 24% mức tiền lương, tiền công. Những người tham gia BHXH tự nguyện sẽ đóng với 20% mức thu nhập, tăng 2%.

Giá túi nylon cũng... tăng

Trong ngày hôm nay, Luật Thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực có thể sẽ ngay lập tức làm tăng giá... túi nylon, loại hàng hóa mà không một bà nội trợ nào không phải dùng, hiện đang được người bán hàng cấp miễn phí.

Giá túi tăng và có nguy cơ được "hạch toán" thêm vào giá cả hàng hóa. Túi nylon là một trong 7 loại đối tượng bị đánh thuế môi trường cao nhất, với mức 150-170%. Các nhà sản xuất tính toán rằng trong giá thành mỗi kg túi nylon, sẽ phải cộng thêm khoảng 40 nghìn tiền thuế.

Ngoài nguy cơ giá bán than cho điện sẽ buộc phải tăng, khiến khoảng cách giữa lần tăng giá điện 5% hôm 20.12.2011 với lần sắp tới càng gần thêm lại, thì Luật Thuế bảo vệ môi trường đang là nguy cơ sát sườn nhất khiến giá xăng cũng sẽ tăng, không vì "giá cả thị trường thế giới”.

Giá xăng dầu vẫn tiềm ẩn sự khó lường.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường bằng với mức phí xăng dầu hiện hành: Xăng, nhiên liệu bay mức thu 1.000 đồng/lít; dầu diesel mức thu 500 đồng/lít; dầu hỏa, dầu mazút, dầu nhờn mức thu 300 đồng/lít...

Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định khi thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ bỏ thu phí xăng dầu. Tuy nhiên, vấn đề mà ai cũng nhìn thấy, nhất là các doanh nghiệp xăng dầu, là phí xăng dầu hiện nay chưa bao giờ đồng nghĩa với phí bảo vệ môi trường. Bởi vậy, nguy cơ thuế chồng lên phí không phải là không có mà còn có nguy cơ rất cao.

Ở nông thôn, những trường hợp có diện tích đất vượt hạn mức sẽ phải chịu mức thuế suất mới khi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực. Phần diện tích vượt hạn mức lần lượt được nâng từ 0,06% lên 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức; từ 0,1% lên 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức và đất sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng. Riêng đối với đất lấn chiếm, mức thuế sẽ từ 0,15% lên 0,2%.

Giảm nhiều dòng thuế

Từ 1.1.2012, có ít nhất 1.000 dòng thuế nằm trong biểu nhập khẩu ưu đãi theo cam kết sẽ được cắt giảm. 87 mặt hàng, trong đó không ít thuộc nhóm tài nguyên, hoặc "không khuyến khích xuất khẩu", sẽ phải cắt giảm thuế theo cam kết WTO. Thuế của 87 loại hàng hóa "trong nước chưa sản xuất được" cũng bị buộc phải giảm.

Còn có thêm một tin tốt là cùng lúc hai nghị định (số 104 và 105) về xử phạt hành chính kinh doanh xăng dầu và gas sẽ bắt đầu có hiệu lực. Mức phạt đối với các hành vi gian lận sẽ cao hơn, hình phạt bổ sung (tước giấy phép) sẽ nghiêm khắc hơn. Người tiêu dùng sẽ ít phải đối diện hơn với tình trạng xăng bẩn, xăng dởm, gas sang chiết lậu - hy vọng vậy!
Một tin không vui là thị trường phát điện cạnh tranh bị hoãn thực hiện, chưa thể bắt đầu từ 1.1. Nguyên nhân là đến nay vẫn còn một số đơn vị phát điện chưa hoàn thành cài đặt và tích hợp hệ thống thông tin, một số nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa được kiểm chứng, việc chuyển đổi hợp đồng mua bán điện còn nhiều vướng mắc. Như vậy, gần 90 triệu người tiêu dùng còn phải chịu cảnh độc quyền...

Nguồn: Dân Việt

Từ 1.1.2012: Thách thức với túi tiền người dân