32 vị trí sạt lở nguy hiểm ở TP.HCM
Tại TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Mới đây, 13 hộ dân ở quận Bình Thạnh đã phải di dời khẩn cấp vì một vị trí bị sạt lở nghiêm trọng.
Bà Hồ Thị Na (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết đây là lần đầu tiên thấy kè Thanh Đa bị sụt lở nặng như vậy. Người dân rất mong cơ quan chức năng sớm sửa kè, đảm bảo cuộc sống người dân - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo UBND TP.HCM, toàn TP có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch, trong đó có 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm gây ảnh hưởng đến 1.328 nhà dân.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ 23/32 vị trí có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở (tổng số vốn đầu tư là 3.474 tỉ đồng).
Do đó, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải TP sớm tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai, sông Cần Giuộc.
Đối với các dự án đang đầu tư kè chống sạt lở, các đơn vị chủ đầu tư nhanh chóng thẩm định và sớm xây dựng hoàn thành để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Đồng thời, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện cần có trách nhiệm cảnh báo đến người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở, thường xuyên khảo sát thực tế, đề xuất cách xử lý.
Đối với các dự án kè sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phải tổ chức bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác đảm bảo phát huy hiệu quả công trình.
Báo Tuổi Trẻ ghi nhận số vị trí sạt lở tại TP.HCM:
Trưa 29-6, tại điểm sạt lở Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức), nhiều ngôi nhà trong tình trạng liêu xiêu, “móng” nhà chếch ra hẳn phía con rạch có thể sụp bất cứ khi nào - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo UBND TP.HCM, các dãy nhà gần cầu Giồng Ông Tố đều là vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Hiện tại, lực lượng chức năng đã gắn biển cảnh báo tại khu vực này - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trong khi đó, tại quận Bình Thạnh cũng có hàng loạt vị trí được UBND TP.HCM đưa vào danh sách sạt lở nguy hiểm. Một số vị trí dù đã có kè nhưng xuống cấp dần theo thời gian. Mới đây (ngày 26-6), một đoạn bờ kè Thanh Đa dài 120m (thuộc phường 25) đã sụt lún khiến 13 hộ dân phải di dời khẩn cấp - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trưa 29-6, tức ba ngày sau vụ sạt lở bờ kè Thanh Đa, đa số các hộ dân sinh sống tại khu vực này đã di dời sang nơi ở mới để chờ bờ kè được sửa chữa xong. Theo ghi nhận, bờ kè này đã bị sạt lở nặng, nhiều nhà dân bị nứt, nghiêng về hướng sông. Tất cả các nhà đều bị hở hàm ếch, phần cát dọc đường đi cũng mềm nhũn, sụt lún. Nước đã tràn vào kín lối đi - Ảnh: CHÂU TUẤN
Vị trí nguy cơ sạt lở nguy hiểm này (nằm cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m) dài khoảng 120m dọc kênh, chiều rộng từ các đỉnh kè đá vào trong bờ khoảng 10m - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tình trạng này diễn ra từ từ, kéo dài đến ngày 26-6 thì bị sạt nặng. Hiện tại, người dân mong chính quyền sửa chữa và làm bờ kè chắc chắn để cuộc sống bà con tại đây sớm ổn định trở lại - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trong khi đó, khu vực cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè), tình trạng sạt lở khiến những căn nhà sát mé sông xiêu vẹo, nghiêng ngả như sắp đổ xuống mặt nước. Anh Thiên Lộc (38 tuổi, ngụ xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) cho biết phần nền nhà anh đã gãy đổ hoàn toàn, lớp tôn lợp nhà cũng mục nát theo thời gian. “Khoảng 5 năm nay, những căn nhà sát mé sông này đã không có người sinh sống vì lo ngại sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào” - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Bờ trái cầu Phước Lộc về phía hạ lưu đã có dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở, với chiều dài 677m, kinh phí đầu tư dự án hơn 149 tỉ đồng. Bờ phải thượng lưu cầu Phước Lộc cũng có dự án chống sạt lở bờ sông dài 247m với kinh phí hơn 40 tỉ đồng - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Cận cảnh dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa chậm tiến độ
Tại dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, gỉ sét, không có bóng dáng công nhân hoạt động. Nhiều đoạn bờ kè liêu xiêu có thể sạt ra bờ sông bất cứ lúc nào…
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0