5 thói quen tốt phòng tránh chứng nóng rát dạ dày
Chứng nóng rát dạ dày thường rất khó chịu. Một số thói quen tốt nên áp dụng khi chúng ta phải đối mặt với chứng nóng rát dạ dày và trào ngược axit.
Sau bữa ăn no thường xảy ra hiện tượng nóng rát dạ dày, ợ chua, thậm chí là ho. Tuy nhiên, một số thói quen nhất định có thể giúp giảm bớt, tránh được các triệu chứng khó chịu này.
Nghệ giúp làm dịu chứng nóng rát dạ dày.
Nóng rát dạ dày là cơ vùng dạ dày có cảm giác bỏng rát do tiếp xúc với axit hoặc chất kiềm. Tình trạng nóng rát dạ dày thường đi kèm với các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, đau dạ dày... khiến người bệnh ăn không ngon, dẫn tới chán ăn.
Nếu không được khắc phục sớm, nóng rát dạ dày có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, viêm đại tràng hoặc ung thư dạ dày…
1. Tại sao chúng ta bị nóng rát ở dạ dày?
Dạ dày sản xuất axit để tiêu hóa thức ăn. Nếu axit này xuất hiện ngoài bữa ăn (ví dụ trong trường hợp căng thẳng) hoặc nếu niêm mạc dạ dày bị kích thích thì có thể gây đau. Đôi khi các chất trong dạ dày trào ngược lên, cảm giác nóng rát ở thực quản, gây trào ngược axit.
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDS) như aspirin, celecoxib, ibuprofen, naproxen, ketoprofen... có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng dạ dày bị nóng.
Ăn uống không khoa học như ăn quá nhiều đồ chua, cay, uống quá nhiều nước, sử dụng đồ uống có ga, rượu… cũng gây ra nóng rát dạ dày.
Thực phẩm giàu chất béo thúc đẩy chứng trào ngược acid.
2. Làm thế nào để tránh hiện tượng nóng rát dạ dày?2.1. Tổ chức tốt bữa ăn
Điều cần thiết là phải dành thời gian để ăn và nhai kỹ, ngồi vào bàn ăn. Trong miệng, thức ăn được nghiền bằng nước bọt có chứa các enzyme tiêu hóa, điều này bắt đầu quá trình tiêu hóa, do đó làm giảm bớt công việc của dạ dày. Khi có thể, hãy chia lượng thức ăn thành 4 hoặc 5 bữa nhỏ thay vì 3 bữa quá lớn.
Cuối cùng, hãy tôn trọng lịch trình sinh học dinh dưỡng bằng một bữa sáng đủ chất, bữa trưa ít thịnh soạn hơn và bữa tối nhẹ nhàng, cách xa giờ đi ngủ.
2.2. Uống nước đúng lúc
Cần uống đủ nước, nhưng nên uống nước "tĩnh" (các loại nước không có ga) hơn là nước có ga khiến dạ dày bị trương lên. Lý tưởng nhất uống ngoài bữa ăn để tránh làm loãng thức ăn và uống từng ngụm nhỏ để không làm quá tải dạ dày.
Ngoài ra, nên tránh uống quá nhiều chất lỏng (súp, nước canh….) trong bữa ăn. Cẩn thận với các đồ uống quá nóng, có thể làm tăng cảm giác nóng rát. Tránh uống rượu, cà phê và nước ngọt.
Các loại rau giúp phòng tránh chứng nóng rát dạ dày.
2.3. Sử dụng nghệ
Trong khi có một số loại gia vị có tính chua, cay... nên tránh, một số khác lại đặc biệt hiệu quả trong việc giúp làm dịu chứng nóng rát ở dạ dày. Đó chính là củ nghệ, giàu carotenoid và polyphenol. Củ nghệ có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Loại củ gia vị này có thể được tiêu thụ ở dạng bột hoặc ở dạng thực phẩm bổ sung.
2.4. Hạn chế chất béo và axit
Thực phẩm giàu chất béo (đồ chiên, món ăn có nước sốt, thịt nguội, bánh ngọt, pho mát...) làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và thúc đẩy trào ngược axit. Thực phẩm có tính axit (giấm, chanh, cam, bưởi, cà chua…) có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản. Vì vậy để tránh chứng nóng rát dạ dày cần hạn chế các loại thực phẩm này.
Ngoài ra, hãy cẩn thận với những thực phẩm giòn (rau sống, vỏ bánh mì, bánh quy...) vì chúng có thể gây tổn thương màng nhầy của dạ dày.
2.5. Ưu tiên các loại rau và dầu tốt
Các loại rau cung cấp các yếu tố kiềm giúp trung hòa axit, chất chống oxy hóa bảo vệ màng nhầy và chất xơ giúp chống táo bón (một yếu tố thuận lợi cho chứng trào ngược axit). Tốt hơn nên nấu sơ để chúng mềm và dễ tiêu hóa hơn.
Sử dụng các loại dầu giàu omega 3 (dầu hạt cải, dầu óc chó, dầu cây gai dầu, dầu hạt lanh...) có đặc tính chống viêm. Lý tưởng nhất: Rau hấp, rưới một chút dầu.
Ngoài ra, lựa chọn thực phẩm tốt, ăn ngồi, bình tĩnh và nhai kỹ, tránh những trang phục bó sát vòng eo và không đi ngủ ngay sau khi ăn… cũng giúp tránh bị nóng rát ở dạ dày.
Khi chứng nóng rát dạ dày thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để bác sĩ tư vấn và có biện pháp hiệu quả ứng phó với chứng bệnh này.
Hà Linh