Đón Tết cổ truyền âm lịch, lỡ cơ hội phát triển đất nước?

20/01/2012 07:51

Người Việt Nam đón Tết cổ truyền theo âm lịch với đủ tâm trạng: Người háo hức với một năm sum vầy, hạnh phúc, người tranh thủ mua sắm, nhận bổng lộc quà cáp, thực hiện được những cơ hội riêng tư, nhưng cũng có những người... sợ Tết vì nhiều lẽ.

Trong khi có nhiều ý kiến ủng hộ việc nghỉ Tết dài ngày và đây là thời gian tĩnh tâm để nhớ đến ông bà tổ tiên, báo hiếu cha mẹ, thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng nghỉ Tết dài ngày cùng, dư âm sau Tết Nguyên đán cả tháng trời khiến chúng ta đang bỏ lỡ nhiều cơ hội đưa đất nước hội nhập với hoạt động giao thương sôi động của thế giới, làm chậm lại quá trình phát triển của đất nước!

Xuân hội nhập, hoàn toàn có thể!

Đã từ lâu, nhiều nước châu Á tồn tại song hành 2 loại lịch, Dương lịch và Âm lịch, thực ra âm lịch ngày nay đã được điều chỉnh cho phù hợp với vòng quay mặt trời nên phải nói là âm dương lịch mới đúng.

Đón tết theo âm lịch ở Việt Nam, nghĩa là khi đa số các quốc gia giàu có trên thế giới (mà hầu hết hiện có quan hệ làm ăn kinh tế với Việt Nam) đang vào dịp nghỉ Tết dương lịch thì ở Việt Nam chúng ta đang trong thời gian làm việc bình thường, song vẫn ít nhiều rơi rớt ảnh hưởng của không khí ngày nghỉ Tết dương lịch ít ỏi và không khí Noel.

Và khi chúng ta đang trong những ngày nghỉ dài đón Tết âm lịch thì guồng máy sản xuất, kinh doanh của thế giới đã xuất phát vào cuộc chạy đua cho một năm mới đầy sinh lực. Là một đất nước đang trên đường đổi mới phấn đấu tới phồn vinh, trong hoàn cảnh như thế, dù muốn hay không, Việt Nam chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội để bắt kịp và đi cùng sự phát triển giao thương của các nền kinh tế mạnh trên thế giới.
Đón Tết cổ truyền dài ngày làm lỡ nhiều cơ hội?


Người dân đổ về quê đón Tết cổ truyền Ảnh: Tư liệu

Trước đây, giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ đã có bài viết trên báo Thanh Niên, trong đó ông mạnh dạn đề xuất nên chuyển lịch đón Tết cổ truyền sang dương lịch cũng nhằm để tận dụng và phát huy được những điểm lợi cho sự phát triển đất nước.

GS. Xuân phân tích: “Sáng mùng 2 Tết, bản tin thời sự tổng hợp của Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết hàng trăm ngàn công nhân của những công trình trọng điểm nhà nước vẫn làm việc trong ngày Tết, và đã nêu thí dụ điển hình công trình Thủy điện Tuyên Quang - nơi hàng trăm công nhân vẫn làm việc trong những ngày Tết để đạt tiến độ thực hiện công trình phục vụ nhân dân.

Ở An Giang, Công ty XNK thủy sản Afiex liên tục nhận fax của khách hàng nước ngoài đặt mua cá filê. Cũng trong mấy ngày Tết ta này tôi vẫn nhận đều đều 30 - 40 bức điện, thư mỗi ngày, trong đó có hai thư phải trả lời ngay để kịp thời hạn.

Tôi chắc chắn hàng nghìn người chức trách điều hành các ban ngành trung ương và các doanh nghiệp công và tư cũng đã nhận được những điện thư khẩn của các đối tác từ nước ngoài gửi về cần được trả lời ngay trong lúc chúng ta đang "ăn Tết". Thực vậy, trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước.

Nhớ lại khoảng thời gian từ 24/12 đến 3/1 dương lịch (DL), trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường thì ở nước ngoài người ta nghỉ Tết Tây (kể cả Nhật Bản), thị trường chứng khoán Tokyo, New York, Luân Đôn... đóng băng, lúc ấy cho dù ta muốn giao thương với họ vẫn không ai làm việc hoặc gửi thông tin gì cho ta. Như vậy trong thời hội nhập kinh tế thế giới, nếu Việt Nam tiếp tục ăn Tết theo âm lịch (ÂL) thì đương nhiên chúng ta hưởng hai lần nghỉ Tết: DL và ÂL, tổng cộng ít nhất 3 tuần lễ nghỉ. Chúng ta biết trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội mang về những lợi ích quan trọng. Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì doanh nghiệp, cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu...”.

Tức là, theo GS Xuân khi chúng ta ăn Tết Việt Nam theo âm lịch với nhiều tập quán cổ truyền thì sẽ gặp mấy bất lợi đặc biệt ảnh hưởng tới công cuộc phát triển đất nước sau: Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông - xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm. Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc, nghỉ ngơi dài ngày dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng. Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây.

Chúng ta có quyền tự hào và duy trì "bản sắc dân tộc" với các phong tục trong ngày Tết cổ truyền. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, ở thời điểm mà Việt Nam cần thật nhanh chóng hội nhập cao độ với bước chuyển của những nền kinh tế mạnh, liệu chúng ta có nên mãi duy trì một lịch nghỉ Tết kèm theo nghỉ sản xuất, nghỉ giao dịch kinh doanh…trong khi các quốc gia hưng thịnh đang dành thời giờ đua làm giàu.

Nếu chúng ta chuyển lịch để cùng đón Tết với các đối tác từ các nền kinh tế mạnh vốn đang chiếm số lượng lớn trên thế giới, thì rõ ràng chúng ta đã tận dụng được lợi thế đứng trong cùng dòng chảy phát triển. Ở góc độ khác, có một liên tưởng gần gũi, một khi Việt Nam chuyển sang đón Tết dương lịch, hàng triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài (chủ yếu là ở các quốc gia phát triển và đón Tết dương lịch) sẽ thật vui mừng và tiện lợi khi có cơ hội về thăm quê hương vào đúng ngày nghỉ theo lịch sinh hoạt, làm việc của nước sở tại.

Nếu các thế hệ trước đã dám bỏ áo dài khăn đóng, guốc mộc để mặc áo sơ mi, quần tây, diện vest và váy áo xúng xính ngày nay, chúng ta đã dám từ bỏ pháo nổ thay vào bằng pháo hoa và bóng bay… thì để tận dụng một cơ hội to lớn trong tiến trình hội nhập thế giới như đã nêu ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới một quyết định mạnh dạn khi chuyển thời gian nghỉ dài ngày của lịch Tết cổ truyền sang nghỉ cũng thế giới - nghỉ Tết dương lịch, cùng đón “Xuân hội nhập”.

Sự khôn khéo của người Nhật

Từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873, 19 năm sau khi hạm đội Mỹ tiến vào hải cảng Edo (Tokyo ngày nay), người Nhật đã đón Tết theo dương lịch, và cùng với lịch đón Tết là gần như toàn bộ các lễ nghi, cách thức đón Tết đã đổi theo thực hiện vào ngày dương lịch.


Đón Tết cổ truyền âm lịch, lỡ cơ hội phát triển đất nước?Mặc dù đã chuyển sang đón Tết dương lịch gần 140 năm nay, nhưng người Nhật Bản vẫn duy trì đậm đà bản sắc văn hóa đặc trưng Nhật Bản. Hình ảnh người dân Tokyo vui đón năm mới theo dương lịch Ảnh: Tư liệu

Người Nhật nổi tiếng là khéo léo biết sử dụng, duy trì những điểm mạnh trong kho tàng văn hóa của dân tộc nhưng lại cũng tiếp thu rất nhanh những thành tựu văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật trong phương pháp và tập quán của phương Tây để tạo nên điểm mạnh cho mình. Cũng với phương hướng đó mà Nhật Bản đã chuyển sang đón Tết dương lịch nhằm đưa cả guồng máy sản xuất, kinh doanh hòa vào dòng chảy kinh tế thế giới mà vốn lâu nay các nước phương Tây vẫn ở thế mạnh. Do đó mà người ta thường nghĩ về Nhật Bản là quốc gia có nền văn hóa “phương Tây nhất ở phương Đông” nhưng cũng “phương Đông nhất ở phương Tây”.

Mặc dù chuyển hoàn toàn lịch đón Tết theo dương lịch từ gần 140 năm nay, nhưng người Nhật Bản vẫn duy trì đậm đà phong tục, tập quán trong những ngày đón Tết.

Người Nhật, một quốc gia cường thịnh về kinh tế đã biết nắm lấy tất cả các cơ hội để canh tân đất nước. Vậy nên chăng Việt Nam cũng cần học hỏi để tìm thêm lợi thế thúc đẩy nền sản xuất, kinh doanh theo hướng hội nhập thật nhanh với sự phát triển của thế giới hiện đại?

Báo điện tử Infonet mở Diễn đàn Có nên đón Tết hội nhập? ĐónTết thế nào là khôn ngoan để vừa giữ được những phong tục truyền thống, nét đẹp văn hoá, nhưng cũng không làm lỡ cơ hội kinh doanh, phát triển của các ngành kinh tế, xã hội nói chung? Mời quý độc giả tham gia đóng góp ý kiến.

Tập quán ăn Tết DL bắt đầu từ ngày 31/12 DL đã được các nước Tây phương áp dụng sớm nhất vào đầu thế kỷ thứ 16 và các thế kỷ tiếp theo (Nước Ý áp dụng năm 1522, Đức 1544, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha 1566, Scotland 1600, Anh Quốc 1752, Nga 1918, Nam Tư và Rumani 1919).

Nguồn: Infonet.vn

Đón Tết cổ truyền âm lịch, lỡ cơ hội phát triển đất nước? - Đời sống