Nỗi khổ gái quê lấy chồng thành phố

17/01/2012 15:18

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nếu cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, nhiều người phụ nữ sẵn sàng li hôn để tìm hạnh phúc mới. Tuy nhiên, với những cô gái xuất thân từ nông thôn mà lấy chồng thành phố thì điều này không dễ.

Đôi khi, dù có khổ đến mấy, thậm chí phải sống trong địa ngục hôn nhân thì họ vẫn phải chịu đựng. Lý do thì có vô vàn…

Một ngày cuối năm, chị Hà (Liễu Giai, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại bất ngờ của cô em họ thông báo, cô đang ở trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mà không biết sẽ phải giải quyết như thế nào.

Thơm, tên của cô em họ chị Hà, là người ngoại tỉnh, mẹ là nông dân, bố mất sớm. Thơm làm nghề gội đầu ở thị trấn và quen một thanh niên người Hà Nội, nhà ở Nghi Tàm. Hình thức tuy có hơi xấu, nhưng được cái anh ta cũng chân chất thật thà nên Thơm đồng ý về làm vợ anh với mong muốn được thoát cảnh quê mùa. Vợ chồng cô may mắn được bố mẹ cho ở riêng, trong một ngôi nhà xây khá khang trang.

Rồi họ cũng có với nhau 2 đứa con gái xinh xắn. Thế nhưng chồng Thơm vì công việc không ổn định, rỗi rãi nên sinh rượu chè. Uống nhiều, thần kinh anh ta bị ảnh hưởng nên suốt ngày mắng chửi vợ, nghi ngờ cô bồ bịch trai gái. Thơm rất khổ tâm nhưng cố nhịn để giữ êm ấm nhà cửa. Tuy nhiên, anh chồng ngày càng được đà, đối xử với vợ rất thậm tệ. Cách đây ít ngày, chồng Thơm nhất quyết đòi đưa đơn ra tòa li dị, vì anh ta “ngủ mơ thấy có người bảo là vợ đang đi với trai”.

Gọi điện cho chị Hà, Thơm khóc nức nở vì giờ đây nếu ra tòa, cô không biết sẽ đi đâu về đâu. Không nhà cửa, không nghề nghiệp, Thơm chắc chắn sẽ không được nuôi con. “Chẳng lẽ em lại về quê ở với mẹ em, nhưng còn hai đứa con, em làm sao xa chúng được?” Thơm bàng hoàng nói. Cô cho biết dù có khổ, dù có bị chồng đánh cô cũng cố chịu, nhưng bỏ con thì không thể. Còn chồng cô thì nhất định đòi đuổi vợ ra ra khỏi nhà, vì ngôi nhà ấy vẫn đứng tên của bố mẹ chồng Thơm.

Trường hợp giống như chị Thơm không phải là hiếm gặp. Rất nhiều phụ nữ từ nông thôn ra Hà Nội đi học hay đi làm rồi lấy chồng và ở lại thành phố. Những tưởng từ đây họ sẽ được đổi đời, rời bỏ cuộc sống chân lấm tay bùn, thế nhưng, cuộc đời không phải toàn màu hồng. Câu nói “Đàn bà như hạt mưa sa” có lẽ đúng nhất với những trường hợp này, bởi họ rất khó tự chủ được cuộc sống của mình, nhất là khi đã có con. Với giá nhà đất đắt như hiện nay, các cặp vợ chồng tự lập mua được một căn hộ là rất khó. Phần lớn họ phải phụ thuộc vào gia đình nhà chồng.

Trong khi đó, những bà mẹ chồng cũng không dễ trao tài sản dành dụm cả đời của mình cho con dâu. Họ thường chỉ cho cặp vợ chồng trẻ ở nhà chứ không trao quyền sở hữu. Vì vậy, nếu khi nào cơm không lành, canh không ngọt, các cô con dâu “nước lã” lúc này chỉ có nước xách va li ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều đáng lo nhất, bởi nếu một thân một mình thì ở đâu, làm gì họ cũng có thể tự cho cuộc sống của mình được. Thế nhưng, điều đau lòng nhất là những đứa con. Nhiều người chồng viện cớ vợ không có nhà cửa, không đủ điều kiện để nuôi con nên đã giành mất quyền thiêng liêng này của người vợ.

Trong nhiều trường hợp, người chồng biết được điểm yếu này của cô vợ nên đã không coi trọng mà đối xử tệ bạc với họ vì anh ta biết rằng, dù gì thì người vợ cũng sẽ chịu đựng. Thực tế nhiều khi cũng đúng như vậy.

Chị Minh, quê ở vùng quê nghèo Xuân Trường (Nam Định). Tốt nghiệp trường trung cấp kế toán, chị xin làm thu ngân ở một siêu thị với mức lương khiêm tốn. Ngày chị lên xe hoa về nhà chồng, cả gia đình mừng cho chị vì lấy được anh chồng vừa có học, lại vừa đẹp trai. Tuy nhiên, 5 năm làm dâu, chị Minh thấm được nỗi khổ của một cô gái nghèo lấy chồng thành phố. Bình thường vợ chồng hòa thuận thì không sao, nhưng cứ động có chuyện gì không bằng lòng là anh ta lại cao giọng: Cô không thích thì cứ việc ra khỏi nhà này, nhưng nhớ là đi thì đi một mình, để con lại cho tôi. Cái ngữ cô thì làm gì mà nuôi nổi con? Có mà đi làm gái!”

Không những thế, anh ta còn dọa: “Ngay cả khi cô thuê được nhà, nuôi được con thì cũng đừng hòng dành được quyền nuôi con. Tôi chỉ bỏ ra một ít tiền thì có mà đến thăm con, cô cũng chẳng có quyền. Liệu mà biết điều cư xử!”. Cũng vì sợ mất con nên mặc dù bị chồng sỉ nhục đến mấy, chị Minh vẫn phải ngậm đắng nuốt cay, cung phụng chiều chuộng chồng. Ngay cả khi biết anh ta cặp kè trở lại với cô người yêu cũ, chị Minh vẫn chẳng dám làm to chuyện.

Ngòai những lo lắng kể trên, những người phụ nữ xuất thân từ nông thôn rồi lấy chồng thành phố thường có tâm lý rất tự ti khi phải li hôn. Mặc dù cuộc sống thực của họ có khổ sở, khó khăn đến đâu, nhưng đối với gia đình hoặc bà con họ hàng, những người phụ nữ này thường tỏ vẻ bề ngoài là tự hào vì đã được “đổi đời”. Do vậy, nếu li hôn và phải tay trắng quay trở về quê là một điều không mấy ai có thể chịu đựng nổi.

Trường hợp của Thơm là một ví dụ. Cô cho biết nếu bần cùng phải li hôn, Thơm cũng sẽ không quay trở về quê mà nhất quyết bám trụ lại ở Hà Nội, vừa để gần con, vừa để bố mẹ khỏi phải xấu hổ với làng xóm. “Em cũng có một chị bạn lấy chồng Hà Nội và đã li hôn. Chị ấy khổ lắm. Con trai chị ấy lại là cháu đích tôn của nhà chồng, vì vậy họ đã tìm đủ mọi cách để giữ thằng bé lại. Bây giờ anh chồng đã lấy người vợ khác nên nhà ấy tìm đủ mọi cách ngăn cản để chị ấy không được thăm con. Thằng bé ít gặp mẹ nên cũng không có tình cảm. Chị ấy đau khổ lắm.” Thơm kể.

Những trường hợp kể trên không phải là phổ biến, nhưng nó cũng cho thấy một đìều, không phải cứ lấy chồng thành phố đã là sung sướng. Nhiều cô gái bỏ lại gia đình, có khi bỏ cả người yêu nơi quê nhà những mong tìm được hạnh phúc nơi phồn hoa đô thị, nhưng cuối cùng đã phải vỡ mộng.

Nguồn: VnMedia

Nỗi khổ gái quê lấy chồng thành phố