Phim 'Kiều @' yếu nội dung lẫn kỹ thuật
"Kiều @" - phim 18+ Phan Thị Mơ đóng chính - bị người xem chê chưa đúng kỹ thuật one-shot, nội dung chắp vá, hời hợt.
"Kiều @" - phim 18+ Phan Thị Mơ đóng chính - bị người xem chê chưa đúng kỹ thuật one-shot, nội dung chắp vá, hời hợt.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Ra rạp sau Tết, Kiều @ (đạo diễn Đỗ Thành An) quy tụ diễn viên Phan Thị Mơ, Cao Thái Hà, nghệ sĩ Công Ninh... Tác phẩm từng gây chú ý khi được giới thiệu là phim điện ảnh trong nước đầu tiên áp dụng kỹ thuật quay one-shot (quay liên tục bằng cú máy dài, không cắt cảnh).
Trích đoạn trailer phim "Kiều @" - phim ra rạp ngày 28/2. Video: BHD.
Được quảng bá lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, tuy nhiên, nội dung phim không liên quan nhiều đến tác phẩm của thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm chỉ nhắc đến Truyện Kiều ở một số chi tiết nhỏ, như phân đoạn hai chị em Hương - Phấn bói Kiều ở đầu phim. Thay vào đó, nội dung phim giống vở cải lương Nửa đời hương phấn của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, tên nhân vật cũng tương đồng như Hương, Tùng, Cang...
Kịch bản hời hợt là điểm yếu đầu tiên của phim. Với thời lượng hơn hai tiếng, đạo diễn chọn cách kể câu chuyện qua dòng hồi tưởng của một nhân vật. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính - Hương (Phan Thị Mơ) - cô gái từ quê lên thành phố học. Cô sa vào lưới tình của một thanh niên xảo trá, sau đó bị bạn trai ép đi phục vụ các đại gia. Cô thoát ra, làm lại cuộc đời với Tùng (Mạnh Luân) - một bác sĩ tốt bụng. Ra tù, bạn trai cũ lại tìm đến, đe dọa cô, tiếp cận Phấn (Cao Thái Hà) - em gái Hương. Vì sự an toàn của Phấn và gia đình, cô buộc lựa chọn: hoặc tiếp tục chuyện tình với Tùng, hoặc trở lại con đường làm gái bán hoa.
Chọn câu chuyện không mới - người con hy sinh bản thân để gia đình có vật chất đủ đầy, phim gây khó hiểu vì diễn biến quá nhanh, nhiều tình tiết bị giản lược. Hương sa chân vào con đường bán dâm chỉ sau thời gian ngắn quen bạn trai. Ở quê, gia đình Hương hồ hởi nhận tiền con gái gửi để xây nhà nhưng không buồn thắc mắc cô kiếm tiền từ đâu khi còn đi học. Chuyện tình giữa Hương và bác sĩ Tùng diễn ra chớp nhoáng.
Poster phim "Kiều @". Ảnh: Lý Đợi.
Đạo diễn cài cắm nhiều cảnh "nóng" để xoáy vào nỗi ê chề, nhục nhã của nhân vật Hương mỗi khi bị ép tiếp khách. Dù vậy, những phân cảnh dễ tạo tranh cãi vì các góc máy thiếu tính thẩm mỹ. Hình ảnh nhân vật chính khoe lưng trần có hình xăm của một huyền thoại Hollywood được lặp đi lặp lại mà không rõ dụng ý. Ở một cảnh Hương tiếp một gã giang hồ, camera bắt cận cảnh người này liếm mật trên lưng cô gái. Nhà báo Võ Quang Huy - từng dự buổi công chiếu phim ở TP HCM - cho rằng đây là một trong phân cảnh phản cảm. "Với góc quay trực diện, cảnh phim tạo cảm giác 'gợn' cho người xem hơn là hướng đến khung hình mang chất điện ảnh", anh nói.
Về kỹ thuật, nhiều người nhận xét phim chưa ra phong cách one-shot. Tác phẩm chỉ là sự chắp nối các phân đoạn với các cú máy dài, sử dụng hiệu ứng rung nhòe để chuyển tiếp cảnh, hoặc tìm điểm nối giữa các phân đoạn này nhằm tạo cảm giác liền mạch. Người xem có cảm giác chao đảo, nhức mắt vì cảnh chuyển không mượt. Sau khi xem phim tối 2/3, khán giả Minh Tú cho biết: "Êkíp có cố gắng đầu tư với hàng trăm cú máy dài suốt hai tiếng. Tuy nhiên, do thiếu sắp đặt về bối cảnh, ánh sáng, những thước phim này rất khó để theo dõi, chỉ dừng ở mức thể nghiệm".
Đạo diễn Đỗ Thành An cho biết anh từng bị nhiều đồng nghiệp phản đối vì quyết tâm làm phim one-shot. Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú - giám đốc nghệ thuật của phim - mắng anh là điên rồ khi muốn làm phim dạng này. Theo ông Tú, thế giới có nhiều tác phẩm điện ảnh theo kỹ thuật này, nhưng phí đầu tư luôn ở mức vài chục triệu USD, áp dụng công nghệ tiêu chuẩn quốc tế, quay bằng robot chuyên dụng. Dù kinh phí hạn chế, đạo diễn tự nghĩ ra nhiều cách quay. Anh xem các tác phẩm tương tự như Birdman, 1917... để học hỏi về góc máy.
Người đẹp Phan Thị Mơ (trái) bên đạo diễn Đỗ Thành An trên phim trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Âm thanh là nhược điểm khác của phim. Các vai được lồng tiếng hoàn toàn nên ở nhiều phân đoạn, cách thoại và biểu cảm chưa tương đồng. Người xem nhận ra hiện tượng "tiếng một đằng, hình một nẻo" rải rác khắp phim. Cách nhấn nhá của dàn diễn viên lồng tiếng cũng tạo cảm giác cũ kỹ của phim truyền hình thập niên 1990 - 2000. Âm nhạc - qua bàn tay Đức Trí - không cứu nổi cảm xúc. Xuyên suốt tác phẩm, đạo diễn chỉ sử dụng nhạc điệu mang âm hưởng ca trù, tuồng chèo, nhất là ở những cảnh đặc tả thân phận của Hương. Nhiều đoạn, âm lượng lớn của tiếng trống dễ khiến khán giả nhức đầu, khó tập trung vào diễn biến.
Tam Kỳ Trở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×