Phong tục ngày Tết kỳ thú bốn phương
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những nét truyền thống văn hoá với những phong tục, tập quán rất riêng và độc đáo. Điều này được thể hiện rõ nhất trong những ngày Tết cổ truyền.
Tết của người Scotland
Người Scotland đón năm mới bằng việc đốt cháy cành bách xù, mang nó đi quanh nhà để diệt tà ma. Buổi sáng đầu tiên của năm mới, ai dậy sớm nhất sẽ chuẩn bị đồ uống có ga cho những người khác. Sau đó, họ đốt cháy những thùng có chứa nhựa đường bên trong rồi lăn chúng ra phố hoặc chuyền cái thùng đang rừng rực đó qua vai những người đàn ông dũng cảm.
Theo họ, như vậy năm cũ sẽ bị đốt đi và mở đường cho năm mới đến. Với thiếu nữ Scotland, sáng đầu năm, họ dậy và tìm một cái giếng gần nhất để múc nước lên uống, cầu tình duyên suôn sẻ. Người Scotland cũng có tục xông đất. Người có thể mang đến vận may là những người đàn ông có bộ tóc màu đen và đến nhà bạn khi trên tay đang cầm một món quà.
Tết cổ truyền của người Ailen
Mùa hè kết thúc vào ngày 31/10 và đây cũng là thời điểm đón năm mới của người Ailen. Nó còn được gọi với những tên gọi khác như Halloween hay Samhain. Người Ailen cho rằng linh hồn của những người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới.
Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình và người ta dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo, vắng vẻ. Sau đó, họ hoá trang thành ma cà rồng và đi vòng quanh nhà hàng xóm để hăm doạ, xua đuổi những hồn ma tìm thể xác. Với những cô gái trẻ Ailen, ngày Tết cũng là thời điểm họ ngắt chồi non mang về giường nằm và cầu nguyện cho tình yêu.
Tết của người Bỉ
Bỉ là quốc gia thanh bình và người dân có quan niệm “Làm việc hết mình, vui chơi giải trí hết mình”. Điều này biểu hiện rõ nhất trong dịp đón Tết cổ truyền. Người Bỉ gọi đêm giao thừa là Sint Sylvester Vooranvond hoặc Saint Sylvester Eve.
Nửa đêm, hầu hết thành phố, quán cà phê, nhà hàng mở cửa, tấp nập khách. Mọi người tổ chức tiệc chia tay năm cũ và nhắc về những người thân, bạn bè đang vắng mặt. Sang ngày đầu tiên năm mới, trẻ em là nhân vật quan trọng. Chúng dành tiền tiết kiệm để mua đồ trang trí nhà cửa và tự đọc lên những tác phẩm thơ, bài văn của mình cho cha mẹ mình hoặc cha mẹ đỡ đầu nghe. Người nông dân Bỉ sẽ chọn một loại động vật nào đó làm điềm may và ban phước lành trong năm.
Tết của người Đan Mạch
Bát đĩa vỡ trong ngày mới với các dân tộc khác biểu hiện sự rủi ro nhưng với người Đan Mạch thì bát đĩa vỡ trước cửa nhà vào đầu năm mới sẽ là điều rất may mắn. Những chiếc đĩa cũ được giữ lại trong năm cũ sẽ được người Đan Mạch ném vào nhà những người bạn của họ vào đêm giao thừa. Càng nhiều bát đĩa vỡ chứng tỏ họ càng có nhiều bạn.
Đêm giao thừa được đánh dấu bằng hai tin quan trọng trên radio và truyền hình, Hoàng gia Đan Mạch sẽ phát biểu chúc mừng toàn dân nhân dịp năm mới trên các phương tiện truyền thông vào 6 giờ chiều và âm thanh của chiếc đồng hồ Tòa thị chính lúc nửa đêm tại thủ đô Copenhagen.
Tết của người Đức
Trong bữa tiệc giao thừa của người Đức, mọi người đều để thừa một chút thức ăn trên đĩa cho tới nửa đêm, điều đó có ý nghĩa tủ thức ăn luôn có đồ dự trữ. Sang ngày đầu tiên của năm mới, người người dân Đức thường rót chì vào nước lạnh đoán tương lai. Một hình tròn hay trái tim đồng nghĩa với đám cưới, con thuyền sẽ nói về chuyến đi và hình dáng một chú lợn là một năm mới đầy đủ lương thực....
Tết của người Thuỵ Sĩ
Ngày Tết truyền thống của người Thuỵ Sĩ hay còn gọi là ngày Sylvester, tức ngày 13 tháng 1 theo lịch Julian. Khi này, người dân Thuỵ Sĩ mặc lễ phục và đội mũ ra đường để xua đuổi cái ác và đón chờ những điều tốt đẹp. Trong ngày đầu tiên của năm mới, người dân Thuỵ Sĩ có tục thả những cái kem xuống sàn nhà và họ tin làm thế sẽ mang lại một năm tràn đầy niềm vui và may mắn.
Tết của người Tây Ban Nha
Khi chuông nhà thờ rung lên điểm thời khắc giao thừa thì mỗi người dân trên đất nước Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho, biểu trưng cho 12 tháng trong năm gặp nhiều điều may mắn. Lúc này, hầu hết các nhà hát, rạp chiếu phim trên toàn quốc cũng đều ngừng công chiếu để dành không gian cho việc thực hiện phong tục này.
Tết của người Tây Tạng
Năm mới ở Tây Tạng được biết đến như Losar và được tổ chức vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng Hai ở thời điểm trăng mới. Hai ngày cuối cùng của năm “Gutor” được dành để đi thăm, tặng quà các tu sĩ, nhà sư và làm sạch nhất ở trong bếp. Các ống khói phải phủ bồ hóng.
Họ làm bánh báo và cất giữ những mẩu giấy ghi các tin nhắn hoặc các viên sỏi, gỗ lưu niệm ở bên trong nhân để phán đoán việc may rủi trong một năm của người ăn bánh. Ngày đầu tiên của năm mới, người ta dậy sớm, tắm và mặc quần áo mới sau đó tôn vinh các thần trong các hộ gia đình và nơi miếu lễ
Tết của người Úc
Tại Úc, bắt đầu từ nửa đêm ngày 31 tháng 12, người dân đã tạo ra rất nhiều tiếng ồn để chuẩn bị chào đón giao thừa. Mọi người sẽ làm náo loạn đường phố bằng đủ các loại âm thanh có thể phát ra như gõ vào chai rượu, đánh trống, bóp còi xe, rung chuông nhà thờ... Ngày đầu tiên của năm mới là thời điểm mọi người có mặt ở những buổi dã ngoại và lập trại trên các bãi biển, tham gia bất kỳ một cuộc đua nào như đua bò, đua thuyền, đua ngựa, lướt ván...
Tết của người Myanmar
Người Myanmar thường tổ chức Tết đèn cổ truyền từ 14 đến 16 tháng 7 hàng năm theo lịch Myamar để tỏ lòng tôn kính với các vị thần. Vào ngày Tết, tất cả mọi nhà đều treo trước cửa những chiếc đèn lồng màu sắc rực rỡ vẽ hình các nhân vật trong các câu chuyện Phật giáo.
Mọi người cũng mang đèn ra đường cùng ngắm. Đây cũng là dịp để người dân tổ chức các cuộc thi hát và dệt áo cà sa để đem lên chùa tặng cho các nhà sư. Trong thời gian diễn ra Tết Đèn, người dân Myanmar còn tổ chức cả những cuộc diễn giảng về lịch sử Phật giáo trong không khí thành kính.