Tết sẵn sàng với “60 giây”

20/01/2012 09:50

Vào thời khắc khắp nơi đì đùng pháo hoa, khói hương nghi ngút cúng tổ tiên mừng năm mới, cũng là quãng thời gian căng thẳng nhất với lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Vừa nghe tiếng còi báo cháy hú lên, hai chiến sĩ Lê Hải Lộc, Võ Văn Quyết, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Bình Thạnh, bỏ ngay bữa cơm đang ăn đứng bật dậy chuẩn bị trang phục - Ảnh: SƠN LÂM

“Mình đỏ như lửa/bụng chứa nước đầy/tôi chạy như bay/hét vang đường phố...” - bài thơ của thi sĩ Nam Trân trong sách giáo khoa lớp 3 ngày nào lập tức bật ra khi thiếu tá Bùi Quang Nên (đội trực chiến chữa cháy thuộc Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.3, TP.HCM) được nghe hỏi về cái duyên với nghề cứu hỏa.

Nghề không có tết với gia đình

Tất nhiên trong tuổi thơ mơ ước được đu theo chiếc xe “mình đỏ như lửa”, đèn hú nhấp nháy của mình, thiếu tá Nên không tưởng tượng đến nghề cứu hỏa là “nghề không có tết với gia đình”. “Hai mươi lăm năm trong nghề, đón giao thừa ở đơn vị riết rồi gia đình cũng đã quên luôn có mình trong ngày lễ tết” - thiếu tá Nên tâm sự.

Khi tiếng còi báo cháy hụ lên, chỉ sau 60 giây xe cứu hỏa sẽ rời khỏi cổng đơn vị lao đến hiện trường mà không chờ bất cứ ai. Dù đang cầm đũa ăn cơm, họp hành... hoặc đang tắm rửa, xà phòng dính đầy đầu thì cũng phải chỉnh tề trên xe cứu hỏa sau 60 giây. Thế nên với những chiến sĩ cứu hỏa, “60 giây sẵn sàng” ấy phải trở thành bản năng thấm sâu vào máu.

“Thời trẻ, đang chở bạn gái đi chơi, nghe tiếng còi cứu hỏa cũng lập tức chở luôn bạn gái đến gần hiện trường bỏ đó, rồi xông vào hỗ trợ đồng đội” - thiếu tá Trần Xuân Phương, phó trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.Bình Thạnh, kể lại. Từng có 19 năm sẵn sàng theo tiếng còi báo cháy, thiếu tá Phương cũng có chừng ấy năm “không biết quận 1 lễ tết ra làm sao”.

“Mặc dù không còn cháy nhiều như thời còn đốt pháo, nhưng giao thừa thường nhiều khói hương cúng quẩy, đèn điện được thắp... nên nguy cơ cháy nổ cũng phải đặc biệt cần đề phòng hơn - thiếu tá Phương cho biết - Hầu như năm nào tiếng còi báo cháy cũng hụ lên trong đêm mừng năm mới, khi chập dây điện, khi cháy bàn thờ...”. Những lúc ấy, các cuộc vui “hái hoa dân chủ, ca hát mừng xuân” do các chiến sĩ trực chiến tự tổ chức ở đơn vị cũng ngưng ngay lập tức. Để rồi tất cả lại sẵn sàng áo mũ cách nhiệt chỉnh tề trên xe cứu hỏa trước 60 giây.

Đưa vợ đến đơn vị đón giao thừa

Đặc trưng của nghề luôn phải sẵn sàng, vậy nên khi còi báo động chưa reo, anh em lính cứu hỏa tạm yên tâm đón xuân ngay đơn vị. Chiều 25 tháng chạp, các chiến sĩ Đội chữa cháy quận 1 người cầm bông mai, người dán ảnh rồng lên tường tất bật trang trí tết.

Anh Nguyễn Văn Nhôm, đội trưởng Đội chữa cháy quận 1, cười hể hả: “13 năm trong nghề, nhưng vợ thì mới cưới hai năm. Năm ngoái mình xin phép cho vợ vào vui đón giao thừa chung với anh em tại đơn vị luôn. Nói sợ vợ giận chứ giờ cho chọn nơi đón giao thừa mình sẽ ở đơn vị với anh em vì quen rồi”. Nhà có hai anh em trai đều làm lính cứu hỏa, ba mẹ anh Nhôm ở Củ Chi từ mười mấy năm nay cũng bỏ luôn việc đón giao thừa để quên đi sự trống vắng đầu năm.

Anh Ca Huỳnh Thế Anh, tết năm trước trực tổng đài 114 Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.Bình Thạnh, kể: “Năm ngoái gần đến giao thừa, cả đội đang loay hoay chuẩn bị nồi thịt kho tàu ăn trong mấy ngày tết thì còi hụ. Mấy tiếng sau về tới nơi thì nồi thịt cũng khét lẹt”. Nhà Thế Anh ở Q.9, mới làm lính cứu hỏa được bốn năm. Có năm được cho về nhà đón giao thừa, anh cũng chạy lên đơn vị với anh em. Anh tâm sự: “Giao thừa ở đơn vị nói với nhau chuyện lính, chuyện nhớ nhà, nhớ người yêu..., những nỗi niềm chung của đồng đội mà mình không tách ra được, ở nhà cứ nôn nao không yên”.

Trung sĩ Nguyễn Văn Loan, chiến sĩ của Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hoàn Kiếm (Hà Nội), đã ba năm đón tết tại đơn vị kể: “Năm đầu tiên đón tết, tôi được giao đi trực bắn pháo hoa, thời khắc giao thừa là lúc căng mắt nhìn những quả pháo hoa bắn lên trời. Nhìn nhưng không được ngắm mà phải quan sát tàn lửa, nếu có tàn lửa nào cháy chậm, rơi lệch khỏi vị trí dự kiến là phải đề phòng hỏa hoạn xảy ra. Thế nên chưa năm nào tôi điện thoại về nhà cho gia đình, cho bố mẹ được vào thời khắc thiêng liêng ấy. Với tôi, có lẽ khó tìm được sự chia sẻ nhất là bạn gái, tết năm nào bạn gái cũng đi chơi một mình, biết bạn thiệt thòi nhưng phải chờ đến sau tết mới có thời gian đưa bạn đi chơi”.

Năm nay, ban chỉ huy Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.Bình Thạnh thực hiện việc toàn bộ quân số của phòng có mặt ở đơn vị đón giao thừa, kể cả những người làm công tác hành chính, tham mưu. “Việc có mặt 100% người trong đơn vị là cách để động viên, chia sẻ với công việc của riêng các anh em một cách thiết thực nhất. Chỉ mong không có tiếng còi nào hú lên trong đêm giao thừa” - thiếu tá Trần Xuân Phương chia sẻ.

Nguồn: Tuổi trẻ

Xem thêm các bài viết về Tâm Sự Tình Yêu

Tết sẵn sàng với “60 giây” - Thời trang