Về làng chuyên "cá chép chầu trời"

20/01/2012 09:13

Tây Hồ không chỉ nổi danh với những cánh đào thắm Nhật Tân hay màu vàng ươm của vườn quất mà còn được biết đến với làng nuôi cá cảnh Yên Phụ với truyền thống từ xa xưa.

Hoa Ngọc Hà – Cá Yên Phụ

Chúng tôi đến làng nuôi cá cảnh vào một chiều cuối năm, khác xa với cái vẻ ồn ào, tấp nập trên con đê Yên Phụ, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ Hồ Tây với cái cổng làng có dáng vẻ chênh vênh nhưng lại vô cùng vững chãi trải qua đã ngót trăm năm.


Những chú cá chép chờ sẵn để lên... chầu trời

Từ xa xưa, nuôi cá cảnh không chỉ là thú vui mà còn là nguồn sống của nhiều người dân nơi đây.

Được giới thiệu vào một trong những gia đình có truyền thống nuôi cá cảnh lâu năm trong làng, chúng tôi gặp chị Liên, người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi và bán cá cảnh. Chị được kế thừa từ người cha của mình (một bậc lão làng về nuôi cá).


Cá chép đỏ là loại cá được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất

Khi bố chị còn nhỏ đã ngày ngày đạp xe đi kiếm mồi cho cá ăn, rồi ông tích lũy dần cả kinh nghiệm nuôi cá, cho cá ăn, bắt bệnh và chăm sóc cá cảnh như thế nào…Tất cả niềm đam mê và sự hiểu biết của mình ông truyền cả cho các con. Để rồi 4 người con của ông thì có 3 người theo nghiệp gia đình. Chị Liên chia sẻ.


Những con cá chép to khỏe được lái buôn mua với giá 30.000 một đôi

Cũng theo chị Liên hiện cả làng Yên Phụ còn chừng khoảng 20 hộ gia đình bán cá cảnh, hầu hết không còn nhà nào nuôi. Có nhiều loại cá cảnh, cá vàng, chép đỏ, cá rồng, cá kiếm…nhưng chủ yếu là nhập từ nhiều nguồn như: Sài Gòn, Phú Thọ, Hải Dương…


Lái buôn lựa chọn những con to khỏe nhất để bán vào ngày ông Công ông Táo

Ngày nay, do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp dần, người làng Yên Phụ đã chuyển sang buôn bán cá cảnh, bởi hiện nay, nuôi công nghiệp phát triển và cho số lượng nhiều gấp bội so với cách nuôi phổ biến trước kia.

Những dịp như ông Công – ông Táo cuối năm, cá chép đỏ là loại cá được nhiều người đặt mua nhất. Cứ tới thời gian này là không khí trong làng nhộn nhịp khác thường bởi chủ hàng từ các chợ đều đổ về đây để đặt mua và chọn cho mình những mẻ cá ưng ý nhất.

Giá của cá chép đỏ cũng phong phú tùy loại: loại nhỏ 5.000 đồng một đôi, lớn hơn chút nữa là 7.000 hay loại to, đỏ chót, có vây, có mào (theo cách gọi của người buôn cá) thì 30.000 một đôi hoặc 170.000 đồng một cân. Theo chị Liên thì loại này chỉ dành cho những người cầu kỳ, kỹ tính và có điều kiện về kinh tế, còn bình thường thì mọi người cũng chỉ mua loại cá nhỡ, chủ yếu là mình thành tâm cúng lễ, không cần quá cầu kỳ, chị chia sẻ thêm.


Cá chép muốn sống lâu phải cho vào buộc kín bơm khí rồi mới mang đi

Chia tay gia đình chị Liên, chúng tôi tìm tới nhà anh Toàn – 34 làng Yên Phụ. Cũng như những gia đình khác, hiện nay, nhà anh cũng là một trong những đại lý cá cảnh cung cấp cho các cửa hàng ở Hà Nội. Tâm sự với chúng tôi, anh Toàn cho biết: Cá của làng Yên Phụ xưa là cá vàng, cá kiếm… “nhưng bây giờ chủ yếu là cá nhập, lai tạp giống nhiều quá, tìm cá thuần chủng của làng bây giờ rất khó…mấy cụ có nghề trong làng tiếc lắm nhưng cũng chưa biết làm cách nào”.

Làng cá cảnh bây giờ và… mai sau

Hiện tại, làng cá cảnh Yên Phụ chỉ còn lại vài bậc lão làng nuôi và kinh doanh cá cảnh nổi tiếng còn sống và truyền nghề cho con cháu. Anh Quách Lợi (Cửa hàng Yến Lợi - 58D làng Yên Phụ) là con trai của cụ Quách Tường hiện đang kinh doanh mặt hàng cá cảnh và các phụ kiện như cây thuỷ sinh, bể cá, thức ăn... cho biết: cá của anh đa số là các loại cá nhập từ TP.HCM, Trung Quốc về.

“Làng Yên Phụ bây giờ chẳng còn nhiều đất để nuôi cá truyền thống của làng, ngoài cá nhập từ những nơi kể trên. Chúng tôi chuyển giao cách nuôi cho những người ở Hải Phòng, Nam Định và nhập lại từ họ” - anh Lợi tâm sự.


Trung bình mỗi ngày cửa hàng chị Liên bán được 50kg cá chép đỏ

Là người con làng Yên Phụ, chị Yến – vợ anh Lợi bảo, nhiều lần sang Trung Quốc, Indonesia nhập cá, chị thấy mình đã đi sau và kém người ta về mọi mặt, khi ở xứ bạn, việc nuôi cá cảnh đã công nghiệp hóa với các trại cá đều tăm tắp, cùng hàng ngàn chủng loại.

Một người nuôi cá cảnh gia truyền ở làng Yên Phụ cho biết thêm: “Đất để đào ao nuôi cá ở Yên Phụ bây giờ hiếm lắm, nhưng đất và nguồn nước ở Thanh Trì, Sóc Sơn cũng có đủ điều kiện để nuôi cá cảnh, tiếc rằng chưa có nhiều sự ưu tiên cũng chưa có người tiên phong.” Liệu trong tương lai, làng cá cảnh Yên Phụ vẫn còn là làng nghề hay chỉ là làng bán cá cảnh? Đây cũng là trăn trở của nhiều người dân có truyền thống nuôi cá cảnh lâu đời ở nơi đây.

Nguồn: Infonet.vn

Về làng chuyên "cá chép chầu trời" - Giải trí