Về làng hương xạ giữa mùa tết

20/01/2012 10:12

Dù sản xuất thủ công hay máy móc hiện đại, nguyên liệu làm hương xạ Cao Thôn vẫn bền bỉ giao hòa hương thơm của hơn 30 vị thuốc bắc, không dùng bất kỳ hóa chất nào.

Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng.

Đã từ lâu, tập quán thắp hương trên ban thờ gia tiên hay ban thờ Phật là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của người dân Việt Nam. Nén hương trở thành cầu nối linh thiêng giữa cuộc sống hiện hữu với thế giới tâm linh. Khi đời sống vật chất no đủ thì con người người ta càng có xu hướng quay về với văn hóa truyền thống, quan tâm đến việc khôi phục nét đẹp tâm linh nhiều hơn. Bởi vậy hương là sản phẩm ngày càng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, đặc biệt nhu cầu tăng cao trong các dịp Lễ, Tết.

Nhắc đến những làng nghề chuyên sản xuất hương ở miền Bắc, lừng danh nhất là thôn Cao (thường gọi là Cao Thôn), xã Bảo Khê, Thành phố Hưng Yên. Tục truyền từ mấy trăm năm trước, có bà Đào Thị Khương lấy chồng ở Trung Quốc, học được nghề làm hương, mang về cố quốc dạy lại cho dân làng. Nghề truyền nghề, cha truyền con nối, hương xạ Cao Thôn trở nên danh tiếng hết đời này sang đời khác kéo dài mấy thế kỷ nay. Dân làng biết ơn, hàng năm lấy ngày 22/8 Âm lịch làm lễ giỗ “Tổ nghề”.

Vào một ngày giáp Tết Nhâm Thìn, chúng tôi đặt chân đến Cao Thôn, nơi không khí của một làng nghề đang vào vụ hết sức tất bật. Trên khắp đường làng, ngõ xóm, sân vườn đâu đâu cũng thơm ngát vị thuốc bắc, ngập tràn sắc vàng, đỏ của hương.

Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng thôn Cao cho biết, trong số 218 hộ dân của thôn Cao, có 120 hộ sản xuất hương tập trung quanh năm, những hộ còn lại chỉ tham gian sản xuất vào dịp cuối năm. Nghề làm hương ở Cao Thôn hoạt động quanh năm nhưng rộ nhất là từ tháng 10 cho đến Tết Nguyên Đán. Nghề hương nơi đây đem lại công ăn việc làm cho 600 lao động thường xuyên, mức thu nhập bình quân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là nghề  không kén nhân lực, có thể tận thu được tất cả sức lao động nhàn rỗi, ai cũng tham gia sản xuất được, từ những cháu bé 12-13 tuổi đến những cụ già 70-80 tuổi.

 Mỗi hộ sản xuất hương tự thiết lập một vùng thị trường tiêu thụ riêng. Một số gia đình làm ăn phát đạt đã ra thành phố mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng một thời như Quảng Thái, Vạn Hoa, Hoàng Phát (Hà Nội), Đồng Phát (Hà Đông), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn), Đồng An Mỹ (Hải Dương)…

Để làm ra được thành phẩm hương phải mất rất nhiều công đoạn: phát thuốc, nhúng nước, nhúng hương, phơi và đóng gói. Với hương máy thì phát thuốc, ra quả, ra nén, phơi, đóng gói. Công đoạn cuối cùng trong khâu làm máy với hương vòng gọi là ra sợi, hương rút gọi là ra nén. Khi phơi hương, gặp trời nắng thì chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày mới xong. Hương được đóng trong từng bó gọi là thẻ, tùy theo nhu cầu khách hàng người ta đóng thẻ nhiều hay ít như: thẻ 10,15,20, 30, 50, 100 nén.

 Khác với hương rút, sản xuất hương vòng đòi hỏi kỳ công, tỉ mỉ hơn bởi loại này không có tăm hương. Khâu ra sợi vẫn sản xuất bằng máy, nhưng công đoạn cuốn vòng vẫn phải làm thủ công. Một người thợ lành nghề, mỗi giờ cuốn được khoảng 100 nén. Ở đây phổ biến là loại hương vòng có thời gian cháy 24 giờ. Nhưng nếu khách đặt mua các loại hương có thời gian cháy liên tục trong 15 ngày, 1 tháng, 3 tháng thì họ cũng sản xuất được. Hương cháy chậm hay nhanh phụ thuộc vào kỹ nghệ pha chế nguyên liệu.

Sản phẩm của làng nghề hương Cao Thôn có những loại nổi tiếng gần xa như: Hương nén, hương vòng, hương sào, hương quế, hương đậu tàn… Bước chân vào thăm cơ sở hương Bảo Yến của anh Nguyễn Phú Sơn- thương hiệu nổi tiếng trên thị trường miền bắc hàng chục năm nay, đúng lúc vợ chồng anh mới nhập một đợt thuốc bắc, đang bày trên sân. Hồ hởi giới thiệu với chúng tôi, anh Sơn cho biết để làm ra nén hương cần tới hơn 30 vị thuốc bắc được phối trộn với nhau gồm: đại hoàng, đinh hương, tế tân, hoàng đàn, tiểu hồi, sâm, xuyên khung, quế, quạ, tùng ta, tùng tàu, nhựa thau, xuyên đại hoàng, xuyên quy, trắc bách diệp, tùng bạch chỉ, mỏ quạ, gỗ trầm… Có những loại thảo dược đắt tiền như đại hoàng, tiểu hồi, sâm, tế tân giá nhập vào là  270.000 đồng/kg, đắt nhất là đinh hương, có giá 370.000 đồng/kg.

Nguyên liệu sản xuất hương không thể thiếu được dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa… và trong miền Nam. Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc theo tỉ lệ 1 bát keo với 10-12 bát bột thảo mộc. Ngoài ra còn có tăm hương, miền Bắc có nhiều nơi chuyên sản xuất tăm hương, nhưng người sản xuất hương Cao Thôn thường nhập tăm hương từ Cầu Bầu (Thạch Thất, Hà Nội). Thường thì cứ  2.300-2.400 tăm hương được cột lại thành một bó và mua với giá 30.000 đồng/kg.

 Cơ sở của anh Sơn chủ yếu làm hương theo lối thủ công còn gọi là hương nhúng. Đây là phương pháp làm hương theo lối truyền thống từ hàng trăm năm nay. Cơ sở của anh có 8 lao động, thù lao cho nhân công được tính theo sản phẩm, thường mỗi nhân công được 180.000 đồng/ ngày, bình quân một lao động mỗi ngày sản xuất được 20.000 nén.

Mỗi nhà có một nhãn mác, giữ một bí quyết gia truyền riêng về công thức phối chế các loại thảo dược, chính vì vậy sản phẩm của từng nhà cho mùi hương riêng biệt. Theo anh Sơn, có người từng đề nghị anh bán bí quyết pha chế thảo dược với giá 1 tỉ đồng, nhưng anh từ chối, vì nếu bán thì sẽ mất nghề. Anh Sơn chia sẻ, không như một số làng nghề khác sử dụng hóa chất để tăng mùi thơm, làng nghề chúng tôi làm hoàn toàn 100% thuốc bắc, không sử dụng một chút hóa chất nào. Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả, làm gian dối kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng hương thơm ra sao, khói toả thế nào có cháy đều, cháy hết không…

 Anh Sơn cho biết, mỗi năm anh xuất bán 3-4 triệu hương nén và 70.000 nén hương vòng, doanh thu 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, trả lương công nhân, gia đình anh thu lợi nhuận 120 triệu đồng/năm. Mặc dù khách đặt hàng rất nhiều, nhưng sản lượng của anh không đủ đáp ứng nhu cầu vì mặt bằng không cho phép sản xuất nhiều hơn.

Anh Sơn cho biết thêm, làm hương vị thuốc bắc thì không thể áp dụng công nghệ lò sấy mà bắt buộc phải phơi bằng ánh nắng mặt trời vì nếu sấy thì sản phẩm sẽ mất hết mùi thuốc.

Từ hai năm nay, nhiều hộ trong làng đã đầu tư máy móc để cơ giới hóa nghề sản xuất hương. Nhà ông Mai Xuân Hùng có 12 chiếc máy làm hương thường xuyên được vận hành hết công suất. Ông Hùng cho chúng tôi biết, gia đình ông nhận làm gia công cho một ông chủ ở Hà Nội. Ở đây mô hình làm gia công chiếm khoảng trên dưới 10 hộ, toàn bộ máy móc đều do ông chủ đầu tư, người làm gia công  không phải lo tiêu thụ. Mỗi máy thủy lực để cho ra sợi có giá thành 26 triệu đồng, bình quân một ngày một công nhân ngồi máy cho ra 30.000 nén. Tuy hương sản xuất bằng máy cho sản phẩm đẹp hơn và cháy được lâu hơn so với hương nhúng nhưng lại có khói tỏa nhiều hơn nên người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hương nhúng nhiều hơn.

Ở Cao Thôn, cơ sở sản xuất hương Thế Hưng của ông Đào Văn Cơ có quy mô lớn nhất. Từ một nghề gia truyền, trong suốt 30 năm, ông không ngừng tìm tòi cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, cùng 40 thợ tay nghề giỏi đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao không những tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước mà còn vượt qua biên giới đến với Thái Lan, Campuchia, Đài Loan, Ấn Độ….

Trải qua bao thăng trầm, nén hương xạ Cao Thôn vẫn giữ được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương Cao Thôn có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Nhiều năm nay, những người thợ vẫn lưu giữ được những bí quyết truyền thống để bảo đảm cho chất lượng hương ngày càng tốt.  Hương xạ đem đến cho nơi đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn xây dựng một làng nghề, gìn giữ nét đẹp cổ truyền.

Nguồn: Petrotimes

Về làng hương xạ giữa mùa tết - Tin tức