Nhiều người trẻ ngoảnh mặt với tết quê

20/01/2012 08:22

Nhiều người tâm niệm Tết Nguyên đán là dịp “hành hương” về với quê hương, tưởng nhớ tổ tiên, ôn lại truyền thống. Nhưng đối với nhiều người trẻ ở thành phố, tết chỉ là dịp nghỉ ngơi và thư dãn.

Độc hành về quê

Gần đến Tết, ông Đặng Văn Ninh (Phương Mai, Hà Nội) lại lỉnh kỉnh chuẩn bị quà cáp, đồ đạc để “độc hành” về quê, tận Quảng Nam. Ông không quên mua mấy cái bánh cốm cho mẹ, giò lan cho bố để về đặt lên bàn thờ. Đây là 2 món mà bố mẹ ông thích và ông hứa năm nào cũng mua về, nhưng rồi ông cũng chẳng về được mấy lần.

Tết với những đồ ăn sẵn ở siêu thị.

Ông kinh doanh thực phẩm trên Hà Nội nên càng đến Tết càng bận rộn, gần như tết nào ông cũng thất hứa với bố mẹ. Bây giờ bố mẹ đã mất, ông càng ân hận, cố gắng tết nào cũng về để thắp hương cho bố mẹ. Năm nào cũng chỉ có mình ông.

Vợ ông là người Nam Định, nhưng theo bố mẹ lên Hà Nội từ nhỏ. Bà luôn lấy lý do thấp khớp, không đi xa, đi lạnh được để thoái thác về quê chồng. Ông có 4 con, đủ 4 dâu rể và 9 đứa cháu. Nhưng cũng không con nào thích về quê.

Ấn tượng về quê hương là cái lắc đầu ngán ngẩm của con trai, cái bĩu môi của con gái, sự rùng mình của con dâu. Chúng nó không chỉ sợ cái giường có mùi tre ngái, chăn gối sơ sài, sợ cả đi vệ sinh, mà còn ngại không khí chào hỏi “đến mỏi miệng” của người nhà quê.

Chúng bảo tết nhất ở quê lách cách. Chả quen, chả biết mà cứ rồng rắn lên mây đến nhà nhau. Bếp rơm rạ lấm lem mà cỗ bàn bày vẽ “4 đĩa, 4 bát”, lại toàn món ngán ngẩm như bóng xào, thịt kho tàu, giò, bánh chưng, canh măng… Rồi khách nào đến cũng bê mâm ra mời, chỉ đụng đũa vài cái rồi lại đi dọn.

Gần 20 đứa con cháu chỉ theo ông về quê 1-2 lần, rồi cứ thấy ông giục về quê là lấy hết lý do con nhỏ, đến ốm đau, bận việc, thậm chí ra nước ngoài du lịch nhưng vẫn từ chối về quê…

Tết “tha hương”

Để tránh mọi rắc rối vì dọn dẹp, mua sắm tết, năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (Hà Đông, Hà Nội) dự định sẽ lên ô tô rong ruổi vào Nam từ 28 Tết. “Mình thấy cái tết thật đơn điệu, năm nào cũng làm chừng đấy việc cho “giống mọi người”. Ngại nhất là phải đi đến nhà họ hàng, bạn bè cười nói, chúc tụng theo khuôn khổ định sẵn – như một cái máy. Tại sao cứ ngập đầu trong mấy việc mà mình không thích như vậy?” - chị Mai tâm sự.

Không chỉ vợ chồng chị Mai mà nhiều bạn trẻ đều chia sẻ cảm giác sợ tết, chán tết vì phải “quần quật dọn dẹp, tất tả mua sắm, hùng hục thăm hỏi”. Ngày càng có nhiều người trẻ đi du lịch vào dịp tết.

Việc các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, bày biện cho năm mới không chỉ có ý nghĩa “làm đẹp” nhà, mà còn là lúc để cả nhà thắt chặt tình thân, sự gắn bó, yêu thương.

Bà Nguyễn Xuân Trường

Tết truyền thống ở nhà bà Nguyễn Xuân Trường (Lò Sũ, Hà Nội) mỗi năm lại nhạt phai đi chút ít. Bà là con gái phố cổ, khi còn trẻ, lúc nào ra đường cũng phải mặc áo dài, tóc chải “lưỡi trai”, bước đi khoan thai, ăn nói dịu dàng.

Bà đặc biệt để tâm đến lễ nghi ngày tết. Từ việc dọn bàn thờ, lau đồ thờ đến sáng bóng, rồi chọn mâm ngũ quả cho tròn đầy, mâm cơm ngày tết cũng phải đủ món, cả những tục kiêng cữ như kiêng quét nhà đầu năm, chọn hướng xuất hành, khai bút… Bà dạy cho 3 con gái, 1 con trai đầy đủ tục lệ nhưng mỗi ngày các con lại bớt đi chút ít. Đến giờ, nhà thì thuê người dọn qua quýt, đồ ăn, đồ cúng đều đợi đến sát Tết thì chạy ra chợ mua.

Khi cuộc sống no đủ, trù phú hơn thì việc chuẩn bị tết của mỗi nhà đều thật dễ dàng, nhưng dường như nhiều người cảm thấy thiếu dần một điều gì đầm ấm, gần gũi giữa con người và con người, thấy mai một đi những nét đẹp truyền thống.

Nguồn: Báo Dân Việt

Nhiều người trẻ ngoảnh mặt với tết quê - Làm đẹp