Phiên chợ từ tình yêu Hà Nội

20/01/2012 08:34

Chợ phiên cuối tuần hồ Tây, họp trên con phố mang tên danh họa Tô Ngọc Vân. Phiên chợ có "chất" châu Âu này ngày càng trở nên quá tải với sức hấp dẫn riêng. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, chủ nhân ý tưởng mở phiên chợ độc đáo này là một chàng "rể Tây".

Khách mua hàng tại chợ phiên cuối tuần hồ Tây.  

Tình yêu Việt Nam, yêu Hà Nội đã khiến Pa-tri-xơ ấp ủ  phải làm điều gì đó có ý nghĩa cho quê hương thứ hai của mình.

Một buổi sáng thứ bảy cuối năm, chợ phiên cuối tuần hồ Tây thật đông. Giữa phiên chợ, Pa-tri-xơ Gô-ti-ơ và những người bạn Pháp, cũng là những cộng sự đã cùng anh mở phiên chợ này đang hồ hởi sắp xếp hàng hóa phục vụ lượng khách đến chợ ngày một đông. Tất bật, Pa-tri-xơ vẫn không quên thi thoảng quay ra phía chúng tôi để... khất hẹn thêm một chút. Guồng quay của phiên chợ đang khá trôi chảy dưới sự điều hành của chàng "rể Tây" vốn rành rẽ cuộc sống trên quê hương của vợ đến từng hơi thở.

Người đến chợ dạo quanh những gian hàng, trong ngập tràn âm thanh những giai điệu nước ngoài nổi tiếng, có cảm giác thật thư thái. Pa-tri-xơ hóm hỉnh cho biết, quãng thời gian 12 năm sống tại Việt Nam và chín năm kết duyên với một cô gái Việt Nam, đủ để biến anh trở thành một người đàn ông "made in Vietnam" đích thực. Khá điển trai và hài hước, không chỉ yêu đất nước này, Hà Nội, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Anh nói tiếng Việt rất sõi, kể cả những từ lóng. Vốn là Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Chăn nuôi Thú y châu Á, trong quá trình làm việc, Pa-tri-xơ có nhiều cơ hội gặp gỡ với người dân Việt Nam, nhất là những người nông dân. Gặp nhiều, tiếp xúc nhiều, riết thành mê, Pa-tri-xơ "nghiện" những sản phẩm nông sản tươi ngon của Việt Nam như mật ong rừng, rượu, rau sạch, trứng và các loại gia súc, gia cầm... Pa-tri-xơ có nhiều buổi làm việc với những người nông dân, bàn về cách thức sản xuất và nhân rộng những sản phẩm nông sản sạch. Lâu dần, Pa-tri-xơ Gô-ti-ơ đã nảy ra ý tưởng thành lập mô hình phiên chợ nông sản châu Âu tại Hà Nội. Anh cho biết, đã từng tới nhiều phiên chợ ở Hà Nội nhưng mô hình phiên chợ nông sản độc đáo thường được tổ chức vào cuối tuần ở châu Âu thì chưa từng xuất hiện ở thành phố này. Bởi thế, anh quyết tâm sẽ mở một phiên chợ, như một nét chấm phá độc đáo dành tặng mảnh đất mà anh hằng yêu mến.

"Ðiều gì đã thôi thúc anh nhiều đến thế?". Trả lời câu hỏi của tôi, Pa-tri-xơ mỉm cười, rồi chỉ tay sang bà xã, chị Phạm Thị Tuyết Mai: "Chỉ có thể lý giải bởi tình yêu và mối nhân duyên của tôi với quê hương Việt Nam". Pa-tri-xơ còn khoe, quãng thời gian sống ở Việt Nam, điều quý giá nhất mà anh có được chính là gia đình với ba cô con gái xinh đẹp. Hiện nay, Pa-tri-xơ còn là Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh Trường Pháp Alexandre Yersin Hà Nội. Mối nhân duyên Việt Nam - Pháp đối với anh vì thế càng trở nên sâu đậm.

Pa-tri-xơ tâm sự, thời gian mới đến Việt Nam, anh dành 50% quỹ thời gian ở Pháp và 50% cho quê hương thứ hai. Nhưng bây giờ, quá nhiều công việc bận rộn nên hiện tại, có đến 90% thời gian anh ở Việt Nam. "Công ty, chợ phiên và chăm lo cho gia đình..., tất cả đều là những công việc quan trọng và đầy thú vị đối với tôi..." - Pa-tri-xơ cho biết.

Sử dụng khoảng đất áng chừng 300 m2 phía trước trụ sở Công ty cổ phần Dịch vụ Chăn nuôi thú y châu Á (phố Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ) mà anh và vợ cùng điều hành, Pa-tri-xơ và các cộng sự đã tổ chức phiên chợ cuối tuần. Ðiểm độc đáo khác hẳn với những phiên chợ khác ở Việt Nam là chỉ diễn ra duy nhất một lần trong tuần, từ 9 giờ đến 12 giờ sáng thứ bảy.

Không phải lập ra để có, Pa-tri-xơ Gô-ti-ơ và những người bạn đã tập trung khá nhiều thời gian, công sức cho phiên chợ này. Ðiểm đặc biệt trước hết để tạo thêm sức hút cho phiên chợ là thiết lập một địa chỉ giới thiệu các sản phẩm sạch được sản xuất, nuôi trồng tại Việt Nam, ngoại trừ một số loại rượu vang, sách và mỹ phẩm nhập khẩu. Có hơn 90% các mặt hàng, sản phẩm được bày bán và giới thiệu tại phiên chợ đều có nguồn gốc tại Việt Nam. Mọi sản phẩm muốn được vào phiên chợ đều phải rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ. Dẫu chỉ là quả chuối, mớ rau, trứng gia cầm, hạt tiêu..., nhưng nếu người bán không chứng minh rõ xuất xứ sản phẩm thì nhất định sẽ không được tham gia phiên chợ. Theo Pa-tri-xơ Gô-ti-ơ thì mục  đích của chợ phiên là cung cấp những sản phẩm sạch 100%. Chợ có quy mô nhỏ nên điều đầu tiên anh và các bạn mong muốn đạt được chính là niềm tin của khách hàng.

Ngày càng có đông người dân sống ở Hà Nội tìm đến phiên chợ để mua những sản phẩm sạch, được nghe tư vấn tiêu dùng từ những "ông Tây" luôn dành tình yêu đặc biệt cho Việt Nam, cho Hà Nội. Từ một phiên chợ vắng vẻ thì đến nay, chợ phiên cuối tuần hồ Tây đã trở thành một địa chỉ khá đông đúc. Pa-tri-xơ Gô-ti-ơ cho hay, giờ phiên chợ đã có 50% các gian hàng do người Việt Nam làm chủ, khách tới chợ giờ cũng đã có rất đông người Việt Nam, khác với trước đây phần lớn người bán và mua đều là người nước ngoài. Khách hàng có thể tìm mua ở đây nhiều đặc sản như mật ong, trứng gà sạch, thịt gia cầm, trà, mứt, hạt tiêu, các loại thổ cẩm, đồ lưu niệm... với giá cả được niêm yết công khai. Người mua cũng có thể thoải mái tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi mua hàng. Ðặc biệt, phiên chợ càng trở nên ý nghĩa với nhiều hoạt động từ thiện.

Những ngày này, chợ phiên cuối tuần hồ Tây đang "tăng bo" hàng hóa cho những phiên cuối năm. Pa-tri-xơ Gô-ti-ơ cho biết, chợ sẽ bán những món đồ phổ biến phục vụ dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam, nhiều nhất có thể là gà, giò, rượu. "Vì cứ đến Tết là lại thấy các chàng rể Việt Nam đi mua những đồ này để  biếu... bố vợ",  Pa-tri-xơ cười hóm hỉnh. Từ mô hình hoạt động hiệu quả của phiên chợ này, trong thời gian tới, anh sẽ cùng các cộng sự nghiên cứu và  lên kế hoạch mở rộng chợ phiên, thêm các chi nhánh mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Nguồn: Báo Nhân dân

Phiên chợ từ tình yêu Hà Nội - Làm đẹp